Phát triển Mũi Cà Mau thành trung tâm du lịch rừng ngập mặn đặc sắc

Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ÐBSCL.

Đông đảo du khách đến với rừng ngập mặn.

Đông đảo du khách đến với rừng ngập mặn.

Cà Mau đang lập quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; quy hoạch chung xây dựng các phân khu trung tâm; xây dựng Ðề án Phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025... là những nhiệm vụ trọng tâm được ngành du lịch tỉnh đặt ra với quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất trong năm 2024, nhằm tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để du lịch địa phương phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, xứng tầm với tiềm năng và lợi thế đặc trưng.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau, những công việc này là cơ sở để từng bước phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ÐBSCL.

Tại kỳ họp HÐND tỉnh lần thứ 11 (chuyên đề) vừa qua đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Cà Mau đã hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng các công việc tiếp theo.

Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100 ha, trong đó, khu vực tập trung phát triển khoảng 2.100 ha. Ðây là khu vực vùng lõi, trung tâm hạt nhân của Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn.

Các khu chức năng chính gồm: Khu Công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái rừng biển, Khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, Khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và Khu du lịch tổng hợp Khai Long.

Riêng không gian Công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, điểm nhấn là mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, km 2436; bờ kè chắn sóng Mũi Cà Mau; biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Ðặc biệt, Cột cờ Hà Nội tọa lạc tại Mũi Cà Mau là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông, hướng ra biển Ðông; Ðền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Ðất Mũi Cà Mau.

Kỳ Phong

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/phat-trien-mui-ca-mau-thanh-trung-tam-du-lich-rung-ngap-man-dac-sac-c8a64771.html