Phát triển năng lực cho học sinh THCS qua môn Khoa học tự nhiên

Thực hiện kế hoạch năm học 2022 – 2023, sáng 25/4, Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức chuyên đề môn Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ sách Cánh Diều tại trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa).

Chuyên đề này có khoảng 1.000 giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên toàn TP Hà Nội tham dự cả trực tiếp và trực tuyến. Qua chuyên đề này cho thấy, với sự quan tâm học sinh và sự cố gắng của giáo viên, các tiết học Khoa học tự nhiên đã sinh động và dễ tiếp thu hơn qua phương thức dạy trực tuyến.

Một tiết học môn Khoa học tự nhiên tại trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa).

Một tiết học môn Khoa học tự nhiên tại trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa).

Nỗ lực, sáng tạo để phát triển năng lực của học sinh

Hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn Đào Thị Hồng Hạnh cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái Đất. Đây là môn học bắt buộc được phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4, 5. Môn học này sẽ giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Với việc hiểu rõ vai trò của môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua, đội ngũ giáo viên trường THCS Bế Văn Đàn đã nỗ lực, sáng tạo và tăng cường đổi mới phương pháp dạy học để phát triển năng lực của học sinh.

Hiểu rõ môn khoa học tự nhiên là môn học có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết với thực nghiệm, các giáo viên trường THCS Bế Văn Đàn đã cố gắng tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có, sáng tạo và phát triển đồ dùng dạy học để học sinh có cơ hội tiếp cận và khám phá tri thức một cách dễ dàng hơn. Ngoài việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng thực nghiệm trong từng tiết dạy, các giáo viên trường THCS Bế Văn Đàn đã khéo léo lồng ghép kiến thức vào thực tiễn qua các chủ đề dạy học Stem hoặc dạy học dự án.

Cần đa dạng phương pháp, kĩ thuật dạy học

Trực tiếp tham gia nghe giảng Bài 35: Hệ mặt trời và ngân hà do cô giáo Phạm Hương Giang – trường THCS Bế Văn Đàn thực hiện cho thấy, cô giáo đã khéo léo tổ chức tiết dạy với các hoạt động đa dạng như: Hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, tổ chức trò chơi với các nhiệm vụ cụ thể cho từng hoạt động. Dưới sự dẫn dắt khéo léo của giáo viên, học sinh đã được tự lực khám phá và chinh phục kiến thức mới trong bài học một cách chủ động.

Một buổi học môn Khoa học tự nhiên được thực hiện trực tuyến tại trường THCS Bế Văn Đàn.

Một buổi học môn Khoa học tự nhiên được thực hiện trực tuyến tại trường THCS Bế Văn Đàn.

Điển hình như việc, một bộ thẻ bài với 8 hành tinh trong hệ mặt trời chứa những thông tin cô đọng đã biến kiến thức khô khan trừu tượng của bài học trở thành đơn giản và giúp học sinh thích thú khi khám phá ra quy luật từ thẻ bài thông qua những trò chơi đơn giản. Với sự kết hợp của “Học mà chơi, chơi mà học”, tiết học nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu và yêu cầu cần đạt.

Cô giáo Phạm Hương Giang chia sẻ, việc tiếp cận phương pháp dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho học sinh cũng đã không còn quá bỡ ngỡ với giáo viên THCS khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bản thân tổ chuyên môn giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên của trường cũng đã được chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng thực hiện của từng giáo viên.

Với phương pháp dạy học trực quan, kĩ thuật động não và phòng tranh là cách thức nhà trường lựa chọn để thực hiện các hoạt động này cho học sinh lớp 6. Bên cạnh đó, còn sử dụng các công cụ như các phần mềm hỗ trợ để kịp thời đánh giá được học sinh, phát hiện những học sinh còn thiếu kĩ năng, kiến thức để kịp thời giúp đỡ và hỗ trợ cho học trò.

“Với phương pháp dạy học này giáo viên hoàn toàn có thể chủ động khi lên kế hoạch giảng dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng tổ chức của giáo viên. Chúng tôi có 3 bộ sách giáo khoa làm học liệu trong quá trình dạy học và nội dung dạy học chúng tôi có thể bám sát vào yêu cầu cần đạt của chương trình để xây dựng kế hoạch bài dạy” - cô giáo Phạm Hương Giang chia sẻ.

Theo cô giáo Phạm Hương Giang, việc thực hiện chương trình cũng vẫn đang chập chững ở những bước đi đầu tiên nên đòi hỏi giáo viên phải có sự tìm tòi, nghiên cứu liên tục để kịp cập nhật về mặt kiến thức và kĩ năng cần hình thành cho học sinh trong mỗi bài học. Mỗi phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học đòi hỏi phải đa dạng để bài giảng lôi cuốn và hướng học sinh đến việc tham gia hoạt động để đánh giá. Việc đánh giá được đúng năng lực của học sinh cần căn theo các tiêu chí chung để đảm bảo công bằng cho học sinh. Các sản phẩm học tập cần đa dạng để học sinh có thể bộc lộ khả năng của mình trong các phong cách học tập khác nhau. Để thực hiện điều này, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của giáo viên và sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Trực tiếp được tham gia học tập bằng phương pháp mới, học sinh Nguyễn Bảo Ngọc và Tạ Bảo Minh Châu đều học sinh Lớp 6NK1 - trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ: “So với cách học lý thuyết truyền thống thì phương pháp giảng dạy mới này kết hợp các công cụ trực quan giúp chúng em tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn. Bên cạnh đó, chúng em tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Chúng em hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều môn học được áp dụng phương pháp dạy lý thuyết kết hợp với trực quan để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn, nhanh hơn”.

Có thể nói, với sự cố gắng và nỗ lực của đội ngũ giáo viên trường THCS Bế Văn Đàn trong việc đổi mới phương pháp dạy học bước đầu đã gặt hái được thành công khi đại đa số học sinh cảm thấy hứng thú với môn học. Kiến thức môn Khoa học tự nhiên tuy còn mới, trừu tượng nhưng học sinh đều nắm bắt được và có sự chủ động trong từng tiết học. Thiết nghĩ, để môn Khoa học tự nhiên có thể phát huy được vai trò hơn nữa trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh rất cần sự sáng tạo và nhiệt huyết của các thầy cô giáo trong từng tiết học.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-nang-luc-cho-hoc-sinh-thcs-qua-mon-khoa-hoc-tu-nhien.html