Phát triển năng lượng gió, điện mặt trời
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế đất đai phát triển nông nghiệp và là trung tâm của khu vực Tây Nguyên. Gần đây, Đắk Lắk lại phát huy tiềm năng lớn từ điện gió, điện mặt trời…
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, đất đai màu mỡ, ít bị ảnh hưởng của bão, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp đa dạng với quy mô lớn. Đặc biệt, Đắk Lắk còn có tiềm năng lớn về điện gió (tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW), điện mặt trời (95 GWh/năm), điện sinh khối rất dồi dào, với năng lượng sinh khối từ bã mía (gần 8 triệu tấn), từ cuống sắn (2,5 triệu tấn) và rác thải đô thị.
Nhằm tạo môi trường cũng như thu hút đầu tư vào địa phương, trong thời gian qua, Đắk Lắk đã có nhiều hành động cụ thể và bước đầu có hiệu quả. Đến nay đã có nhiều dự án được đầu tư trên lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát đo gió để lập dự án điện gió. Hiện nay, dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên - giai đoạn 1, công suất 28,8 MW đang triển khai thi công, dự kiến tháng 9/2019 hoàn thành đưa vào vận hành phát điện. Có 3 dự án đang hoàn thiện báo cáo đầu tư và thực hiện các bước tiếp theo để triển khai; các dự án khác, nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát đo gió.
Riêng về dự án điện mặt trời, hiện trên địa bàn tỉnh có 17 nhà đầu tư triển khai khảo sát, lập dự án. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, giai đoạn 1 công suất 600 MW (750MWp) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 dự án khác vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Có 5 dự án điện mặt trời, công suất 210MWp đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk; trong đó 4 dự án: Nhà máy điện mặt trời Srêpôk 1 (Công suất 50MWp); Nhà máy điện mặt trời Quang Minh (công suất 50MWp); dự án trang trại điện mặt trời tại BMT tại huyện Krông Pắc (công suất 30MWp); Nhà máy điện mặt trời Jang Bông huyện Buôn Đôn (công suất 10MWp), đã hoàn thành đưa vào vận hành phát điện, góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia. Còn một dự án đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện trong thời gian tới. Ngoài ra, có 12 dự án Bộ Công Thương đang thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững. Với vị trí địa lý, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa, Đắk Lắk cho thấy rõ lợi thế với nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như điện gió, điện mặt trời…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nang-luong-gio-dien-mat-troi-123439.html