Phát triển năng lượng sạch cần hoàn thiện khung pháp lý
Cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí vẫn chưa rõ ràng, nguy cơ dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư.
Hiện nay, ngành năng lượng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon. Trong khi đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 trung hòa carbon. Vậy Nhà nước cần có chính sách như thế nào để phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo giảm thải khí carbon?
Sớm hoàn thiện cơ chế mua - bán điện
Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ trọng các nguồn điện sạch, bao gồm thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác trong cơ cấu nguồn điện đã đạt đến 65,6% tổng công suất lắp đặt của hệ thống.
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030 sẽ có tổng công suất điện gió là 16.100 MW, điện mặt trời là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn năng lượng này đang có nhiều khó khăn. Cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí này vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý. Chính phủ chậm ban hành cơ chế đấu thầu dự án điện gió để huy động nguồn lực tư nhân trong nước; chưa có những quy định rõ ràng để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi.
Tại Long An, Dự án điện Long An 1 và 2 với công suất 2.800 MW được quy hoạch là nhiệt điện sử dụng than, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay không triển khai được do vướng mắc về tác động môi trường, xử lý tro xỉ cũng như không được sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương. Hiện nay, dự án này đã chuyển sang nhà máy khí điện LNG. Theo đại diện đơn vị này, việc chuyển đổi từ nhà máy nhiệt điện sang dùng khí, khó khăn không phải là công nghệ mà là các cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề giá điện.
Ông Hoàng Xuân Quốc, Giám đốc năng lượng Dự án Điện LNG Long An I và II cho rằng, LNG là con đường trung gian bắt buộc trước khi chuyển từ nhà máy nhiệt điện sang zero khí carbon vì dùng khí sản xuất giảm 60% khí carbon so với nhà máy điện than, tuy nhiên khó khăn là giá nguồn nhiên liệu của nó khá cao.
“Vấn đề quan trọng của LNG là thị trường, đặc thù của LNG là đầu tư dài hạn và cơ chế giá LNG phải chuyển vào giá nhiên liệu. Việc tiêu thụ điện cho các nhà máy LNG sản xuất ra phải đảm bảo bù đắp được chi phí đầu tư hàng tỷ USD cũng là vấn đề quan trọng nếu không sẽ khó triển khai được chuỗi nhà máy này”, ông Quốc kiến nghị.
Nhà đầu tư cần được chia sẻ rủi ro
Đối với các nhà máy điện LNG, nhiều nhà đầu tư đề nghị các dự án sử dụng vốn tư nhân, cơ quan chức năng nên sớm xây dựng cơ chế mua bán điện. Khi doanh nghiệp có hợp đồng mua bán điện sẽ chủ động thu xếp vốn. Bà Nguyễn Thanh Bình-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, kiêm Giám đốc Ban quản lý năng lượng kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định đối với các nhà máy LNG độc lập, trong đó giải quyết vấn đề về chia sẻ rủi ro trong hợp đồng mẫu, bao tiêu lượng điện và thời gian huy động công suất.
Còn ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Ban đầu tư - Xây dựng của Tổng Công ty điện lực dầu khí cho rằng, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm hiện nay là nội dung bao tiêu sản lượng điện phát hàng năm, bao tiêu khí hàng năm như thế nào cho hợp lý.
“Khi kí hợp đồng đàm phán mua bán điện cần có khung giá phát điện cho nhà máy điện LNG. Bộ Công Thương cần sớm ban hành giá để khi nào được phê duyệt được sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư triển khai tiếp các bước tiếp theo. Các nhà đầu tư cũng cần rút kinh nghiệm khi đàm phán vướng mắc kéo dài, nhiều dự án đàm phán 2 năm vẫn chưa xong”, ông Lợi đề xuất.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục Trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, những vướng mắc nêu trên của các doanh nghiệp đang được tiếp thu và bổ sung vào những quy định giá điện sắp tới.
“Việc đưa giá khí vào giá điện, đưa giá điện vào hợp đồng mẫu… đang được xem xét, cân nhắc trong Thông tư ban hành khung giá và phương pháp xác định giá kèm theo hợp đồng mẫu, bao gồm cả việc phân bổ rủi ro, hợp đồng đảm bảo phân bổ rủi ro”, ông Hùng làm rõ.
Phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là hướng phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 vể giảm thải khí carbon. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần sớm hoàn thành Quy hoạch điện VIII với những chính sách cạnh tranh, minh bạch, rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và đơn vị mua điện./.