Phát triển, nâng tầm sản phẩm du lịch từ di sản và công nghiệp văn hóa

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định, 'Di sản, văn hóa Việt Nam cực kỳ phong phú và giàu bản sắc, cần được chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc trưng'.

Du lịch Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng, với định hướng chiến lược lấy giá trị văn hóa làm nền tảng để phát triển bền vững và hiệu quả. Tại Hội nghị Báo cáo kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, các ý kiến đều cho rằng, thay vì chỉ đơn thuần khai thác tài nguyên sẵn có, ngành du lịch trong giai đoạn này đang chuyển mình mạnh mẽ thành một ngành kinh tế sáng tạo, nơi công nghiệp văn hóa được xem là đòn bẩy chiến lược quan trọng để tạo ra những bước ngoặt phát triển mới. Sự chuyển dịch này không chỉ làm giàu thêm trải nghiệm cho du khách mà còn giúp định vị hình ảnh quốc gia, nâng tầm điểm đến và khai phóng những dòng chảy sáng tạo chưa từng được khai thác hết.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam. Ảnh: PV

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam. Ảnh: PV

Để du lịch Việt Nam thật sự “cất cánh từ nền tảng văn hóa sáng tạo”, ông Vũ Thế Bình đặc biệt nhấn mạnh: “Sản phẩm là vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch phải độc đáo, hấp dẫn, khác biệt. Di sản, văn hóa Việt Nam cực kỳ phong phú và giàu bản sắc, cần được chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để phát huy những thành công của 6 tháng đầu năm và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ trên 31 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Trên cơ sở đó, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch mới, tăng tính trải nghiệm và bản sắc. Trong đó đẩy mạnh khai thác tour du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đêm gắn với giá trị di tích, di sản và các không gian văn hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Ảnh: PV

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Ảnh: PV

Cụ thể một số sản phẩm, sự kiện du lịch nổi bật của Hà Nội được bà Đặng Hương Giang nêu: Du lịch Hà Nội chào 2025 - Get on Hanoi, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025, tour trải nghiệm Con đường đạo học tại Hà Đông - Ứng Hòa - Phú Xuyên (cũ), các sản phẩm du lịch làng nghề tại Bát Tràng, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn (cũ)… Tổ chức các chuỗi sự kiện tầm cỡ: Từ Festival Áo dài Hà Nội, Festival mùa thu Hà Nội, Lễ hội đồ uống Hà Nội, Liên hoan du lịch ẩm thực và làng nghề, phố nghề Hà Nội 2025…

Cũng theo bà Đặng Hương Giang, tới đây Sở Du lịch Hà Nội sẽ kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, nơi có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của cả nước và khu vực.

Các sản phẩm du lịch gắn với di tích, di sản là điểm nhấn thu hút khách quốc tế của du lịch Thủ đô. Ảnh: PV

Các sản phẩm du lịch gắn với di tích, di sản là điểm nhấn thu hút khách quốc tế của du lịch Thủ đô. Ảnh: PV

Xu hướng du lịch toàn cầu đã thay đổi đáng kể. Du khách không còn tìm kiếm những trải nghiệm đại trà mà đòi hỏi tính bản địa, độc đáo, gắn với văn hóa và cảm xúc. Điều này đặt ra yêu cầu du lịch Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hay di sản sẵn có, mà cần một lực đẩy mới mang tính sáng tạo, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, đó chính là công nghiệp văn hóa. Phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và mang đậm dấu ấn văn hóa, di sản. Kết hợp với đó là chiến lược truyền thông du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh… hiệu quả, mang tầm vóc quốc gia tới chính xác thị trường trọng điểm.

Theo báo cáo kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, công tác xúc tiến, quảng bá tiếp tục có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, gắn với văn hóa - nghệ thuật - điện ảnh, cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở cả trong và ngoài nước.

Tour đêm Văn Miếu hấp dẫn cả với du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: PV

Tour đêm Văn Miếu hấp dẫn cả với du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: PV

Về vấn đề xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng ý với cách làm sáng tạo, gắn quảng bá du lịch với các sự kiện văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật, lễ hội… để công nghiệp văn hóa phát huy giá trị là đòn bẩy phát triển du lịch. Ông Vũ Thế Bình cũng đề xuất du lịch cần tập trung vào hai trụ cột cốt lõi là “chuyển đổi xanh” và “chuyển đổi số”. Theo đó, ngành Du lịch sớm xây dựng hệ thống tiêu chí du lịch xanh thực tiễn, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý, xúc tiến, điều hành, phù hợp với xu thế tiêu dùng số và yêu cầu trải nghiệm của khách quốc tế.

Thư Vũ/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/phat-trien-nang-tam-san-pham-du-lich-tu-di-san-va-cong-nghiep-van-hoa-post1213889.vov