Phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Trà Vinh - Bài 2: Tìm giải pháp hữu hiệu

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuy nhiên một số cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả. Thế nên, việc khẩn trương tìm thêm nhiều giải pháp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững đang là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Do thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô, tỉnh Trà Vinh đã chủ trương chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây con khác. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Do thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô, tỉnh Trà Vinh đã chủ trương chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây con khác. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết 15/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016-2019, tổng kinh phí phân bổ cho các địa phương trong tỉnh hơn 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2019, toàn tỉnh chỉ mới giải ngân được hơn 13 tỷ đồng, bằng 17,61% kế hoạch.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, chính sách này hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn tập trung, trồng rau an toàn nhà lưới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái; trồng mới cải tạo, nâng cấp vườn dừa; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc, rau màu, cỏ… tuy nhiên nông dân khó tiếp cận được chính sách, bởi sản xuất nông nghiệp của tỉnh đa phần ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ.

Bên cạnh đó, điều kiện để được hỗ trợ là phải có hợp đồng hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, việc kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do hiệu quả không cao, nhiều rủi ro. Phần nhiều doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực này chỉ tham gia liên kết để bán vật tư đầu vào.

Hạn chế doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra hàng nông sản thường xuyên bấp bênh thiếu ổn định. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan, địa phương kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Hiện Trà Vinh kêu gọi đầu tư 16 dự án ở lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, phần lớn là hợp tác liên kết sản xuất, chế biển và tiêu thụ. Để thu hút đầu tư, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương.

Đối với cho thuê đất đầu tư, nhiều dự án tỉnh hỗ trợ 30% chi phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường (tối đa 300 triệu đồng); 20% lãi suất cho nhà đầu tư mua sắm phương tiện vận tải phục vụ sản xuất kinh doanh chế biến, bảo quản nông sản, thủy hải sản (tối đa 200 triệu đồng); 30% chi phí đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, kho lạnh di động (tối đa 500 triệu đồng). Đồng thời, tỉnh hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động; tư vấn cho tạo lập, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp…

Trà Vinh mong muốn sớm có chính sách tích tụ đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; giúp nông dân dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đang tập trung khai thác, tận dụng tối ưu tiềm năng, lợi thế về điều kiện sinh thái, các tiểu vùng sinh thái đặc thù như đất giồng cát, bãi bồi ven sông, ven biển, hoặc đất phù sa, nhiễm mặn… để xây dựng vùng chuyên canh phù hợp. Tùy theo từng tiểu vùng ngọt, ngọt hóa, mặn hoặc cù lao, ngành nông nghiệp định hướng nông dân sản xuất cây trồng, vật nuôi thích ứng.

Căn cứ vào lợi thế và nhu cầu thị trường, tỉnh phát triển một số cây trồng có thế mạnh của tỉnh; trong đó, ưu tiên phát triển nhóm các ngành hàng nông, thủy sản chủ lực; cây trồng xen canh, thủy sản nuôi ghép theo hướng đa canh, tạo ra sản phẩm đa dạng, bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo đó, các ngành hàng nông, thủy sản chủ lực của tỉnh gồm: tôm, lúa gạo sạch, rau, đậu, dưa hấu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; bưởi da xanh, xoài châu nghệ, thanh long ruột đỏ, chuối cau đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP; ngành hàng dừa; bò thịt chất lượng cao và gà ta nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ngoài ra tỉnh còn phát triển các ngành hàng hoa, cây cảnh và sinh vật cảnh…

Để đầu ra hàng nông sản địa phương thực hiện theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ổn định, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường thông tin về diễn biến thị trường, những tác động của hội nhập quốc tế để địa phương, doanh nghiệp và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong và ngoài nước… Các đơn vị đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, tỉnh đang nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học. Tỉnh chú trọng đầu tư và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để ứng dụng công nghệ 4.0; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại…

Đáng chú ý, Trà Vinh ứng dụng công nghệ 4.0 trong canh tác lúa thành công; ứng dụng phao quan trắc, điện toán đám mây để đo độ mặn, nhiệt độ, pH phục vụ sản xuất lúa theo quy trình thông minh. Nông dân có thể theo dõi hoặc điều khiển toàn bộ quy trình sản xuất trên điện thoại thông minh. Mô hình do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Công ty cổ phần RYNAN Smart Fertilizers (Khu công nghiệp Long Đức, ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) nghiên cứu, cung cấp máy móc thiết bị, phân bón thông minh và hướng dẫn nông dân thực hiện.

Tại cuộc họp với các sở, ngành mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình này. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương quy hoạch lại vùng sản xuất; xác định vị trí đặt phao quan trắc theo dõi nước mặn xâm nhập, nhiệt độ, pH, hệ thống bơm nước thông minh, đèn giám sát sâu rầy trên đồng ruộng… để sớm đưa mô hình phát triển tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh về cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ kinh phí giúp nông dân tiếp cận mô hình.

Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-nen-nong-nghiep-ben-vung-o-tra-vinh-bai-2-tim-giai-phap-huu-hieu-20191126173251592.htm