Phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiệu quả, bền vững

Năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả quan trọng, đưa nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của nông dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của nông dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngành đã rà soát, phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân huy động tối đa các nguồn lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Đồng thời, triển khai các chủ trương, kế hoạch của tỉnh về phòng chống dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi; phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tập trung chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.

Vượt qua yếu tố bất thuận của thời tiết, những thiệt hại do mưa bão, giông lốc, dịch bệnh trên gia súc gây ra, các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 8.687 tỷ đồng. Toàn tỉnh 82.626 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng đạt 375.665 tấn; giá trị đạt 5.386,7 tỷ đồng; có 188 sản phẩm OCOP (tăng 34 sản phẩm so với năm 2023); có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 4 vùng so với năm 2023).

Hỗ trợ duy trì, phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn (tăng 28 chuỗi so với năm 2023); 29 sản phẩm nông sản, thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (tăng 2 sản phẩm so với năm 2023) và 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và tương đương là 5.596 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương là 19.121 ha; diện tích tưới tiết kiệm nước 3.210 ha; diện tích nhà lưới, nhà kính 115 ha. Có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 xã so với năm 2023; có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 3 xã so với năm 2023.

Năm qua, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Huyện tiếp tục duy trì 31 chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên địa bàn, 10 mã số vùng trồng với diện tích 182 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với các doanh nghiệp, HTX xuất khẩu 55 tấn thanh long sang thị trường nước ngoài; phối hợp với Công ty cổ phần Cà phê Detech xây dựng vùng nguyên liệu cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 468,5 ha, của 545 nông hộ.

Mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

Mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

Các địa phương còn tập trung quy hoạch lại các vùng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ gắn với các chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Ông Lò Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Năm 2024, nông nghiệp Yên Châu đã có nhiều chuyển biến quan trọng, giá trị 1 ha đất trồng trọt đạt 60 triệu đồng. Chuyển đổi 1.011 ha trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng mía và cây ăn quảcó hiệu quả hơn; diện tích áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ được nhân rộng. Huyện có 3 vùng trồng nhãn, xoài, mận hậu được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.128,9 ha…

Lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi, gắn với mở chợ buôn bán trao đổi đại gia súc, gồm: Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman)…

Duy trì và phát triển Nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR tại Mộc Châu, trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Vân Hồ, các cơ sở chăn nuôi sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu con gia súc, trên 8,2 triệu con gia cầm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 1,8% so với năm 2023; có 27 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Giới thiệu sản phẩm phân bón công nghệ vi sinh và sinh học của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoàng An Phát.

Giới thiệu sản phẩm phân bón công nghệ vi sinh và sinh học của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoàng An Phát.

Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, ngành Nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”…

Phấn đấu đến hết năm 2025, tổng sản phẩm ngành Nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng 4,9% so với năm 2024; có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 48,5%... góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, xanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc" như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đã đề ra.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-trien-nen-nong-nghiep-theo-huong-sinh-thai-hieu-qua-ben-vung-tMFYFmdHR.html