Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn: Từ biochar đến chuyển đổi số
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa phối hợp với Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi'. Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo người sản xuất, hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đoàn chủ trì hội thảo. Ảnh: LHHVN
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đã trình bày bức tranh tổng thể về ngành chăn nuôi trong thời gian qua. Theo đó, ngành đã đạt được những bước tiến rõ rệt: chất lượng giống vật nuôi được cải thiện, công nghệ sinh học được ứng dụng tại 100% các trang trại quy mô lớn, nhiều trang trại đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ISO 9001, hay tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Một số doanh nghiệp lớn cũng đã làm chủ công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chuỗi liên kết và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động chăn nuôi có chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 217 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Thị trường thức ăn chăn nuôi biến động mạnh do ảnh hưởng từ quốc tế; quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chiếm gần 50%, khiến việc áp dụng công nghệ cao gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, chuỗi liên kết tiêu thụ chưa hình thành rõ nét, công tác giết mổ tập trung và chế biến còn bất cập, gây khó khăn trong xuất khẩu.
Một vấn đề nổi cộm khác là ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh, cũng như hạn chế về kiến thức thị trường tín chỉ carbon, chuyển đổi số trong quản lý và các rủi ro từ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Dù vậy, cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn rất lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các chương trình đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Đặc biệt, sau đợt sắp xếp địa giới hành chính, 34 tỉnh, thành phố sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi gắn với giết mổ và chế biến.
Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất một số giải pháp: hoàn thiện thể chế ngành, cải tiến giống vật nuôi, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chủ động nguồn thức ăn, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đẩy mạnh chế biến và liên kết chuỗi, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh - sản xuất tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số trong quản lý, và nâng cao năng lực kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, TS. Nguyễn Thành Trung (Bộ môn Nghiên cứu Hệ thống và Môi trường chăn nuôi - Viện Chăn nuôi) đã giới thiệu mô hình xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng tuần hoàn. Giải pháp này biến chất thải thành biochar (than sinh học) và kết hợp với mô hình nuôi đúng nhu cầu (precision feeding). So với các phương pháp truyền thống như ủ compost, mô hình này giúp giảm mùi hôi, hạn chế phát thải khí nhà kính, xử lý mầm bệnh và tồn dư kháng sinh, kim loại nặng trong phân – từ đó nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Một trong những mô hình tiêu biểu tại địa phương là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh. Với chiến lược phát triển theo chuỗi 3F (Feed - Farm - Food), doanh nghiệp này đã ứng dụng nhiều công nghệ thân thiện với môi trường như: công nghệ lên men, bổ sung biotic vào thức ăn, xử lý vi sinh tại chuồng nuôi, kiểm soát chỉ số mùi hôi, thu gom và chế biến phân hữu cơ. Nhờ đó, doanh nghiệp đã xử lý hiệu quả chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức hội thảo. Ảnh: LHHVN
Cũng tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Mến - đại diện Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú y HANVET đã giới thiệu bộ giải pháp men vi sinh xử lý chất thải, giúp khử mùi hôi chuồng trại, cải thiện môi trường đất, nước, không khí và biến chất thải thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng. HANVET cũng cam kết đồng hành cùng bà con chăn nuôi trong hành trình phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Các tham luận tại hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực, cập nhật và có giá trị ứng dụng cao, giúp nâng cao nhận thức cho người dân, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp tại Bắc Ninh và các địa phương lân cận. Hội thảo không chỉ là cầu nối tri thức mà còn là cơ hội tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy xu hướng chăn nuôi xanh - sạch - tuần hoàn - phát triển bền vững trong thời đại mới.