Cú hích làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ ở Gia Lai

Bằng những bước đi bài bản trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, Gia Lai đang dần định hình một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững, tạo nền tảng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.

Hạt nhân của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo tại Gia Lai không thể không kể đến đóng góp của các HTX - nơi hội tụ những thành viên có tư duy mới, canh tác theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng vào hành trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Tỉnh Gia Lai có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây, rau, củ, quả…

Nhận diện rõ thế mạnh này, trong những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với định hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đặc biệt là hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ là nền tảng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Gia Lai (Ảnh: Vũ Thảo).

Nông nghiệp hữu cơ là nền tảng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Gia Lai (Ảnh: Vũ Thảo).

Từ mô hình nhỏ lẻ ban đầu, đến nay Gia Lai đã có hơn 255.000 ha cây trồng được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ, hữu cơ (số liệu thống kê trước ngày 1/7/2025)...

Việc xây dựng mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói và chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản như cà phê Gia Lai, hồ tiêu Chư Sê, gạo Ia Lâu… cũng mở ra cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc… mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.

Điểm nổi bật là tỉnh đã có 1 doanh nghiệp và 3 HTX được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, Mỹ (USDA), Nhật Bản (JAS), Hàn Quốc và EU với diện tích 110 ha các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và dược liệu. Một số HTX, doanh nghiệp và hộ dân cũng đang chuyển đổi hơn 66 ha sang canh tác hữu cơ.

Theo đại diện ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai, chuyển đổi sang nông nghiệp sạch, hữu cơ không chỉ là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn là giải pháp căn cơ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Hạt nhân của chuyển đổi và kết nối

Không chỉ là cầu nối kỹ thuật, các HTX ở Gia Lai đang đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn và ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, nay thuộc xã Chư Păh mới) là một điển hình. Năm 2024, HTX đã phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh triển khai mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha.

Tham gia mô hình trồng chanh dây, các thành viên HTX Nghĩa Hòa được tập huấn kỹ thuật canh tác, ghi nhật ký sản xuất, đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật và các quy trình nghiêm ngặt để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng, liên kết với doanh nghiệp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, chanh dây VietGAP… Nhờ vậy, sản phẩm của HTX được nâng cao giá trị, đầu ra ổn định, thu nhập của thành viên cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng “được mùa mất giá” như trước”.

Cùng với các HTX, thành công của chương trình chuyển đổi nông nghiệp ở Gia Lai không thể không nhắc đến những người nông dân tiên phong. Một trong số đó là ông Hoàng Văn Thắng (thôn Bản Tân, xã Ia Phìn, nay thuộc xã Chư Prông mới) – người đã gắn bó hơn 20 năm với cây cà phê.

Liên kết hình thành chuỗi giá trị giúp nông dân, HTX ở Gia Lai nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh: Vũ Thảo).

Liên kết hình thành chuỗi giá trị giúp nông dân, HTX ở Gia Lai nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh: Vũ Thảo).

Trước đây, hoạt động sản xuất cà phê của ông Thắng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, thiếu kỹ thuật, chi phí cao, năng suất không ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2023, khi vườn cà phê của ông được chọn tham gia chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, mọi thứ đã thay đổi.

“Được tập huấn kỹ thuật, biết cách chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng…, tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Năm 2024, năng suất vườn cà phê của tôi tăng thêm 1 tấn/ha so với trước, chất lượng hạt cũng tốt hơn, bán được giá cao” – ông Thắng hồ hởi chia sẻ.

Từ chỗ loay hoay với cái nghèo, giờ đây nhiều hộ nông dân như ông Thắng đã trở thành “chuyên gia canh tác” có thu nhập ổn định, tích cực tham gia vào các HTX, liên kết sản xuất và từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Hướng tới nông nghiệp bền vững

Không chỉ có nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, sự vào cuộc của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cũng đóng vai trò không nhỏ trong thành công của mô hình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi, đào tạo cán bộ quản lý HTX, tư vấn xây dựng chuỗi giá trị nông sản và xúc tiến thương mại, Liên minh HTX Việt Nam đã giúp các HTX trên địa bàn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kết nối thị trường trong nước và quốc tế.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam, cơ quan chức năng địa phương tỉnh là nền tảng để phát triển các mô hình cà phê 4C, UTZ, hồ tiêu và chanh dây VietGAP, cây ăn quả GlobalGAP… Từ đó, giúp HTX cùng thành viên và nông dân liên kết nâng cao kỹ năng, từng bước hội nhập với thị trường toàn cầu.

Từ các mô hình điểm ban đầu, giờ đây, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch đã lan tỏa rộng khắp Gia Lai, trở thành xu thế tất yếu trong hành trình xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nông nghiệp công nghệ cao, HTX làm trung tâm kết nối… đang chứng minh hiệu quả rõ rệt khi người dân thoát nghèo, có việc làm bền vững, đời sống ngày một cải thiện. Đặc biệt, các mô hình HTX sản xuất nông sản hữu cơ đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ đồng bộ.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai dự kiến tiếp tục triển khai đề án vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn, mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, truy xuất nguồn gốc và chế biến sâu… Mục tiêu là không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân Gia Lai làm giàu từ nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Có thể nói, Gia Lai đang cho thấy một hướng đi đúng đắn trong quá trình xóa đói, giảm nghèo nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nông nghiệp hữu cơ, thông minh. Thành công ấy không thể thiếu vai trò trung tâm của các HTX – nơi khơi dậy sức dân, kết nối thị trường và đưa kỹ thuật vào đồng ruộng. Với sự đồng hành từ các cấp, ngành và đặc biệt là Liên minh HTX Việt Nam, hành trình làm nông nghiệp xanh ở Gia Lai đang thực sự mở ra cánh cửa đến với một tương lai thịnh vượng và bền vững.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cu-hich-lam-giau-tu-nong-nghiep-huu-co-o-gia-lai-1107940.html