Phát triển ngành Công nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Phát triển ngành Công nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế

Bài 2: Năm 2030, hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Quan điểm của Tỉnh ủy Lâm Đồng đó là “phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp” mà “trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo” trở thành “ngành Công nghiệp đóng vai trò chủ đạo” của khu vực công nghiệp. Phấn đấu từ nay đến năm 2030, Lâm Đồng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại và có tính cạnh tranh cao.

Công ty Trình Nhi chế biến sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong tỉnh. Ảnh: Hoàng Sa

Công ty Trình Nhi chế biến sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong tỉnh. Ảnh: Hoàng Sa

Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy về “Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mới ban hành cách đây không lâu được xem như “kim chỉ nam” cho việc “đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế” với quan điểm “phát triển ngành công nghiệp bền vững dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh”. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành Công nghiệp đóng vai trò chủ đạo của khu vực công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển các dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ hiện đại, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở khai thác thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô, công nghệ tiên tiến, đặc biệt công nghệ số vào sản xuất công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội…

Mục tiêu chung đến năm 2030, Lâm Đồng hoàn thành “công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, có tính cạnh tranh cao và một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế”.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 11,5 - 12%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,9 - 12,3%/năm. Tỉ trọng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 65% cơ cấu ngành Công nghiệp và ngành sản xuất và phân phối điện chiếm 28%. Cũng trong giai đoạn này phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13 - 14%/năm. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Và giai đoạn 2025 - 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 13 - 14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,7 - 16,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14 - 15%/năm. Song song đó, duy trì, phát triển mạnh các chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để thực hiện lộ trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ nay đến năm 2030 theo như Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy, Lâm Đồng cũng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đề ra các nội dung bao gồm: Phát triển công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến; hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Kế đến là các nhiệm vụ, giải pháp từ phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển công nghiệp năng lượng dựa trên lợi thế của tỉnh đến phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Mặt khác, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cuối cùng là nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực cũng như phát huy vai trò các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội... của tỉnh.

Với những mục tiêu mà Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy đặt ra trong phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nêu trên, hy vọng 10 năm tới đây, kết quả thực hiện sẽ đạt mục tiêu như mong muốn, qua đó góp phần đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh khá trong cả nước.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202206/phat-trien-nganh-cong-nghiep-ben-vung-dua-tren-tiem-nang-loi-the-bai-2-3122668/