Phát triển ngành công nghiệp Halal: Hiểu để mở rộng thị trường xuất khẩu

Cơ hội khi tham gia vào thị trường Halal là rất lớn nhưng hiện chưa nhiều doanh nghiệp Việt hiểu biết rõ về Halal. Không những thế, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, doanh nghiệp để được cấp chứng nhận còn cần đầu tư nhiều chi phí.

Nhiều tiềm năng

Ngày 31/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa Halal quốc tế.

Theo đó, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô, mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng của trong tương lai.

Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM cho biết, Indonesia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với hơn 236 triệu người và chiếm hơn 86% dân số. Chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal đạt 184 tỷ USD vào năm 2020 và được ước tính sẽ đạt 281,6 tỷ USD vào năm 2025.

“Do đó, chúng tôi nỗ lực chia sẻ các kiến thức cơ bản của Halal, kinh nghiệm của các tổ chức ở Indonesia… nhằm tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực cho người dân, doanh nghiệp và địa phương tại Việt Nam để hai quốc gia gia tăng hoạt động hợp tác, phát triển”, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM chia sẻ.

Thị trường Halal toàn cầu được đánh giá là một trong những thị trường rất có tiềm năng.

Thị trường Halal toàn cầu được đánh giá là một trong những thị trường rất có tiềm năng.

Nhưng khai thác còn hạn chế

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 26,37 tỷ USD. Trong đó Burei đạt 143 triệu USD, Indonesia 10,18 tỷ USD, Malaysia 9,31 tỷ USD, Singapore 6,7 tỷ USD… đây là một con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của vùng.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cho biết, có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal. Nguyên nhân là do, hiện không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận còn khó khăn, doanh nghiệp để được cấp chứng nhận còn cần đầu tư nhiều chi phí…

Đồng tình với ý kiến này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) nhận định, năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Bình quân, mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay…

Ngoài ra, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal. Thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí lớn, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa để khai thác tốt thị trường Hồi giáo.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa để khai thác tốt thị trường Hồi giáo.

Cần đẩy mạnh đầu tư

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi đã cung cấp yêu cầu về chuỗi giá trị Halal từ nông trại tới bàn ăn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn thuần là việc có một nhãn Halal được dán lên sản phẩm. Phần quan trọng nhất của quy trình này đòi hỏi doanh nghiệp phải truy xuất nguồn gốc và kiểm định sản phẩm để đảm bảo không tồn tại hàng giả và không có sản phẩm bị nhiễm bẩn trong chuỗi giá trị Halal.”

Không những thế, theo bà Lý Kim Chi doanh nghiệp muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo, ví dụ gạo được phép xuất khẩu, còn thịt heo thì không được phép. Ngoài ra, các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền.

Đặc biệt, giấy chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Vậy nên bắt buộc doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo thông tin, nhờ tìm hiểu các quy định này và có sự đầu tư đúng mực vào 3 năm trước mà hiện nay, doanh nghiệp đang khai thác tốt thị trường Halal ở Dubai, Singapore, Malaysia… Sang năm 2024, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xúc tiến, mở gian hàng tại hội chợ và để khách hàng dùng thử sản phẩm tại các siêu thị. Trong đó, Gia Bảo sẽ trực tiếp sang các thị trường và thông qua Cục Xúc tiến thương mại ở Việt Nam để xúc tiến thương mại, tìm thêm đối tác.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-halal-hieu-de-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-d202098.html