Phát triển nghề tẩm quất, tạo việc làm, thu nhập cho người khiếm thị

Hội người mù các cấp thành phố Hà Nội đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp để phát triển nghề tẩm quất xoa bóp nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người khiếm thị, giúp họ cảm thấy tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Ông Nguyễn Huy Việt - Phó Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội cho biết, nghề tẩm quất xoa bóp được xác định là nghề mũi nhọn nên Hội người mù thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai xây dựng cơ sở vật chất, phương thức quản lý, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên.

Trong ba năm gần đây, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Hội người mù Thành phố đã mở được 12 khóa đào tạo nghề tẩm quất cho 211 học viên và 12 học viên được học nghề tại Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng của Trung ương Hội người mù Việt Nam. Số học viên khi tốt nghiệp đều có tay nghề kỹ thuật đảm bảo cho việc hành nghề. Sau đào tạo số lượng học viên có việc làm đạt tỷ lệ trên 90%.

Việc đào tạo nghề tẩm quất xoa bóp cho hội viên luôn được Hội người mù các cấp thành phố Hà Nội quan tâm triển khai.

Việc đào tạo nghề tẩm quất xoa bóp cho hội viên luôn được Hội người mù các cấp thành phố Hà Nội quan tâm triển khai.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn về chất lượng giảng dạy, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Hội người mù Thành phố đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn cũng như công tác quản lý. Bên cạnh đó, Hội người mù Thành phố cũng đã tổ chức đi tham quan các đơn vị bạn để học tập về phương thức quản lý, cách bố trí phòng, cách thức tiếp thị, trang phục.

Song song với sự hỗ trợ của Hội người mù thành phố Hà Nội, ở các địa phương, Hội người mù cũng chú trọng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao vị thế nghề nghiệp và thu nhập cho kỹ thuật viên tại các cơ sở tẩm quất xoa bóp trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm cho biết, Hội người mù quận đang quản lý, khai thác hiệu quả Cơ sở tẩm quất Toàn Phát tại 2 địa chỉ là số 95 Hàng Buồm và số 33 Bát Sứ, Hoàn Kiếm. Tổng diện tích của cơ sở là 66 m2 với 7 giường tẩm quất và 4 ghế massage chân.

Để khai thác hiệu quả Cơ sở tẩm quất Toàn Phát, Hội người mù quận đã chú trọng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; đồng thời, thường xuyên mở các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho các kỹ thuật viên như: Khóa học xoa bóp bàn chân, khai thông cột sống, massage dầu và đá nóng; xây dựng quy trình đón tiếp, phục vụ và chăm sóc khách hàng bài bản, trong đó, chú trọng các kênh phản hồi của khách hàng qua Zalo và Facebook; chú trọng đến kỹ năng mềm của nhân viên như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng Google dịch trên điện thoại.

Cơ sở cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nên các loại hình sản phẩm dịch vụ rất đa dạng mà đội ngũ nhân viên cũng như quản lý vẫn nắm bắt được quy trình hoạt động hằng ngày một cách rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, cơ sở chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo thông qua Fanpage, trang web, Zalo và nâng cao độ nhận diện thông qua hệ thống biển quảng cáo, bảng giá và trang bị đồng phục cho nhân viên.

“Với việc chú trọng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và không ngừng nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm cho các kỹ thuật viên, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, marketing, thương hiệu của Cơ sở tẩm quất Toàn Phát ngày càng được lan tỏa và lượng khách đến sử dụng dịch vụ ngày càng đông. Số lượng khách trung bình hằng tháng đạt từ 550 - 600 khách. Mức thu nhập bình quân của người lao động tại cơ sở đạt 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Hoàng Văn Lý nhấn mạnh.

Hội người mù thành phố Hà Nội tổ chức Hội thi tay nghề tẩm quất xoa bóp nhằm tạo điều kiện cho các hội viên làm nghề có cơ hội giao lưu, học hỏi, ôn lại lý thuyết, rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành nghề.

Hội người mù thành phố Hà Nội tổ chức Hội thi tay nghề tẩm quất xoa bóp nhằm tạo điều kiện cho các hội viên làm nghề có cơ hội giao lưu, học hỏi, ôn lại lý thuyết, rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành nghề.

Thực tế cho thấy, nghề tẩm quất xoa bóp đang có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; tay nghề của kỹ thuật viên từng bước được nâng lên; nhiều người khiếm thị có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và tổ chức Hội có thêm nguồn thu để đẩy mạnh các phong trào hoạt động và chăm sóc hội viên.

Theo số liệu thống kê của Hội người mù thành phố Hà Nội, hiện nay, toàn Thành hội có khoảng 235 cơ sở tẩm quất xoa bóp của người khiếm thị, trong đó, có 15 cơ sở do Hội quản lý, 220 cơ sở do hội viên đứng ra đầu tư. Hầu hết các cơ sở hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động là người khiếm thị với mức lương hằng tháng đạt từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt, có cơ sở mức lương bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở tư nhân hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau như: Cổ phần, khoán sản phẩm, có cơ sở trả lương cứng, có cơ sở vừa khoán sản phẩm, vừa trả lương cứng… Tổng doanh thu của các cơ sở mỗi năm ước đạt gần 300 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Việt chia sẻ, khi chưa có nghề tẩm quất nhiều người mù sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình người thân đời sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khi đã có nghề tẩm quất, hội viên Hội người mù đã từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Nhiều hội viên đã trở thành lao động chính và là trụ cột về kinh tế của gia đình. Có việc làm và thu nhập giúp người mù cảm thấy tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng xã hội. Điều này thêm một lần nữa khẳng định giá trị lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-nghe-tam-quat-tao-viec-lam-thu-nhap-cho-nguoi-khiem-thi-174581.html