Nữ đảng viên '6 trong 1' ở xóm Bình Định

Người dân xóm Bình Định (xã Kha Sơn, Phú Bình) gọi vui về bà Dương Thị Xâm là đảng viên '6 trong 1' vì ngoài vai trò, hưởng phụ cấp chính là Trưởng xóm, bà còn kiêm thêm các công việc như: Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đại biểu HĐND xã, thành viên Tổ An ninh trật tự xóm. Ở vị trí nào, bà cũng luôn nỗ lực làm tốt nhất công việc, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Bà Dương Thị Xâm (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ xã Kha Sơn thăm mô hình nuôi cá của một hộ ở xóm Bình Định.

Bà Dương Thị Xâm (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ xã Kha Sơn thăm mô hình nuôi cá của một hộ ở xóm Bình Định.

Chúng tôi đến xóm Bình Định vào buổi trưa, bà Xâm đang tất bật với việc trông cháu, chăm chồng, chốc chốc lại có người đến nộp tiền lãi, hỏi han về việc vay vốn, việc xóm làng, khiến cuộc nói chuyện bị gián đoạn. Chị Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kha Sơn, cho biết: Cô Xâm là nữ trưởng xóm duy nhất của xã, cô nhiệt tình, trách nhiệm và nắm bắt rõ mọi công việc, hoàn cảnh nên thường được mọi người tìm đến. Chồng cô bị ốm, teo não và nằm liệt giường hơn 3 năm nay, một mình cô xoay xở việc nhà, việc xóm.

Còn bà Xâm nói với chúng tôi, gần 35 năm làm công tác xã hội, việc xóm làng gắn bó, như ngấm vào máu tôi.

Bà Xâm tham gia công tác xã hội từ những năm 1990 với vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm. Thấy bà là người năng động, trách nhiệm, năm 2009 người dân trong xóm tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm Bình Định. Nhớ lại những ngày mới đảm nhiệm công việc, bà bảo, khi đó Bình Định nhiều khó khăn lắm, chủ yếu là đường đất. Sản xuất của bà con mang tính tự phát, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế. Xóm có trên 150 hộ dân thì hơn một phần ba thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, bà Xâm đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác; bám sát vào tình hình sản xuất, chăn nuôi của người dân để kịp thời phản ánh với cán bộ chuyên môn.

Năm 2010, sau khi cùng với các hộ dân tập huấn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa lai, bà tiên phong chuyển đổi diện tích lúa cũ sang giống lúa lai Syn 6. Vụ đầu thắng lớn, thửa ruộng lúa lai của gia đình bà đạt năng suất 2,6 tạ/sào, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu cũng giảm đáng kể nhờ sử dụng đúng cách.

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt và được bà vận động, chia sẻ kinh nghiệm nên số hộ lựa chọn lúa lai thay thế giống lúa cũ ngày càng phổ biến. Từ cấy lúa tự cung tự cấp giờ bà con sản xuất theo hàng hóa, hình thành vùng sản xuất. Đến nay, Bình Định là xóm đứng đầu xã về diện tích gieo cấy lúa lai với gần 15ha gồm các giống: JO2, TBR 225..., năng suất đạt từ 2,5-2,7 tạ/sào.

Đầu năm 2024, xóm tiếp tục được hỗ trợ để thực hiện 6ha ô mẫu giống nếp hoa vàng, tiến tới xây dựng mã vùng trồng. Cùng với cấy lúa chất lượng cao, nhiều năm nay Bình Định cũng được biết đến là vùng nuôi cá lớn với diện tích ao khoảng 8ha, 20 hộ nuôi. Nhiều người thâm canh 2 vụ lúa, 1 vụ nuôi cá. Năm 2022, từ nguồn vốn 500 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, bà vận động 10 hộ dân thành lập dự án, tổ hợp tác nuôi cá. Sau khi được vay vốn đầu tư thức ăn, máy móc, trao đổi kinh nghiệm, đến nay việc chăn nuôi của các hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nói về bà Xâm, ông Dương Văn Thảo, thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá, vui mừng cho biết: Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo. Nhờ được bác Xâm động viên, ưu tiên lựa chọn tham gia các chương trình, dự án như tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng hay mới đây là nguồn vốn 50 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân để chuyển đổi diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá. Với 1,2 mẫu ao, một năm tôi nuôi hai lứa được 2 tấn cá các loại, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng, giờ gia đình đã thoát nghèo rồi.

Còn bà Nguyễn Thị Kim chia sẻ, tôi hiếm thấy có người nào như bà Xâm, dù việc gia đình bận rộn, vất vả, nhưng luôn nhiệt tình, xăm xắn trong mọi việc lớn nhỏ của xóm; quan tâm, sát sao với những khó khăn của người dân để có đề xuất, kiến nghị kịp thời lên cấp trên. Vừa rồi, bà có ý kiến với HĐND xã về việc hỗ trợ người dân xây dựng tuyến mương phục vụ nuôi trồng thủy sản, do bà con đang gặp khó khăn về nguồn nước...

Từ khi xóm triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2014, bà Xâm cùng với Ban Công tác mặt trận xóm vận động người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất ruộng, vườn, đóng góp gần 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để làm gần 3km đường bê tông, sửa lại nhà văn hóa xóm, xây dựng đình làng, lắp đặt đường điện “Thắp sáng làng quê”...

Nhằm giảm bớt gánh nặng đóng cho bà con, bà đề xuất chi bộ xóm chỉ đạo chia nhỏ tiền đóng góp thành nhiều đợt. Những hộ nghèo hoặc neo đơn được xét để miễn giảm. Việc san ủi mặt bằng, đổ bê tông cũng được giao cho người dân đảm nhiệm để giảm số tiền phải đóng. Trong quá trình xây dựng các hạng mục, bà cùng các đảng viên, ban giám sát cộng đồng của xóm túc trực, kiểm tra để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chất lượng công trình.

Hiện nay, xóm Bình Định có 181 hộ, 835 nhân khẩu. Cùng với đi đầu trong phát triển kinh tế, xóm luôn đoàn kết, sôi nổi trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao. Toàn xóm hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 75 triệu đồng/người, tỷ lệ đạt gia đình văn hóa gần 100%. Kết quả đó là nỗ lực rất lớn của tập thể xóm Bình Định, trong đó có vai trò không nhỏ của đảng viên “6 trong 1” là bà Xâm.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202409/nu-dang-vien-6-trong-1-o-xom-binh-dinh-8330938/