Phát triển nguồn dược liệu
Khánh Hòa được đánh giá là một trong những địa phương vùng Nam Trung Bộ có nguồn dược liệu phong phú, trong đó có nhiều loài thuốc quý hiếm.
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, vùng Nam Trung Bộ, tại Quảng Nam và Khánh Hòa phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Bụp giấm, diệp hạ châu đắng, dừa cạn, đậu ván trắng, củ mài, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, với diện tích trồng khoảng 3.200ha. Ưu tiên phát triển các loài: Bụp giấm, dừa cạn, sa nhân tím và sâm Ngọc Linh.
Cho tới nay, kết quả triển khai thực hiện quy hoạch nói trên tại địa bàn Khánh Hòa còn rất hạn chế.
Thực tế, từ những năm 1980 - 1983, Viện Dược liệu Trung ương phối hợp với Trạm Nghiên cứu dược liệu thuộc Sở Y tế Phú Khánh có tiến hành điều tra nguồn dược liệu tại địa phương. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết quả thu được rất ít ỏi. Từ đó tới nay, chưa có cuộc điều tra nào có quy mô lớn hơn, toàn diện hơn về nguồn dược liệu tại địa phương; trong khi việc bảo tồn, khai thác, trồng, sản xuất dược liệu bộc lộ nhiều bất cập.
Nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 -2020”. Khánh Hòa đã quy hoạch 2 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường, gồm vùng trồng tập trung tại huyện Khánh Vĩnh, và ở một số địa điểm vệ tinh tại các địa phương khác. Tuy nhiên, công tác quy hoạch các vùng khai thác dược liệu tự nhiên; phát triển nguồn giống, trồng dược liệu; quy hoạch hệ thống các cơ sở sơ chế, chế biến, chiết xuất và bảo quản dược liệu... chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.
Bên cạnh đó, do khai thác bừa bãi, không chú ý bảo tồn nguồn gen, nguồn giống nên trữ lượng dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhiều cây thuốc quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Việc khai thác tới mức “truy sát” khiến cây xáo tam phân gần như biến mất trên địa bàn Khánh Hòa là một ví dụ. Do chưa có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, việc nuôi trồng, khai thác dược liệu chưa được người dân quan tâm nên lượng cây dược liệu giảm, diện tích ngày càng thu hẹp. Tình trạng vận chuyển; xuất khẩu dược liệu tự nhiên theo đường tiểu ngạch diễn ra ồ ạt, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn dược liệu, suy giảm đa dạng sinh học...
Triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết để phát triển dược liệu, phát triển sản xuất thuốc y học cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà trong việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dược liệu trên địa bàn.
Có thể thấy, trước mắt, cần tiến hành điều tra, xác định trữ lượng, số loài, vùng có khả năng để khai thác nguồn dược liệu tự nhiên một cách hợp lý. Song song đó, tập trung thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong phê duyệt quy hoạch trên các lĩnh vực: Phát triển nguồn giống dược liệu; trồng cây dược liệu; chế biến, sản xuất dược liệu; xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dược liệu... Đặc biệt, có cơ chế hình thành hệ thống liên kết từ nuôi trồng, thu mua, chế biến đến sản xuất, xuất khẩu dược liệu để người dân chủ động tham gia vào chuỗi liên kết.
Có thực hiện tốt các nhóm giải pháp trên mới có thể phát triển nguồn dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa; gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến; cơ cấu sản phẩm đa dạng, an toàn và chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
PHONG NGUYÊN