Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với đãi ngộ hợp lý

Trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thịnh vượng và năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”. (Ảnh: VGP)

Tập trung đào tạo chất lượng cao

Phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, NSLĐ là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến NSLĐ và chú trọng những giải pháp tăng NSLĐ, tăng NSLĐ xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng.

Từ Đại hội lần thứ XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược (cùng với thể chế và phát triển hạ tầng chiến lược). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là những nhân tố căn bản, cốt lõi và tạo nền tảng để tăng NSLĐ nhanh và bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tiến tới mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao năm 2045.

Khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững mà còn là yếu tố quyết định trong việc nâng cao vị thế và sức mạnh của một quốc gia trên trường quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự chuyển mình sang nền kinh tế số.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh nhận định, hiện nay, Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao…

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng ở nước ta hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Ông Phạm Xuân Khánh kiến nghị Chính phủ cần xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia. Trong đó, chú trọng đầu tư đồng bộ, mở các ngành, nghề mới theo hướng công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn 4.0; đầu tư ngân sách hỗ trợ mở các nghề mới theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; chia sẻ dữ liệu tuyển sinh đại học, xây dựng các chương trình đào tạo cho phép liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo. Dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần ban hành chính sách đồng bộ, hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề, đặc biệt là các nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn nhưng ít người học để thu hút học sinh vào học nghề, góp phần thay đổi cơ cấu trình độ. Bố trí kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đặc biệt là đối với các nghề mới, các nghề công nghệ cao. Quan tâm chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề mũi nhọn, đang là xu hướng…

Cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp

Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao NSLĐ, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy, thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cao kỹ năng, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Học sinh trường nghề tiếp xúc với nhiều mã ngành mới và thực hành trên các thiết bị hiện đại. (Ảnh: VOV)

Học sinh trường nghề tiếp xúc với nhiều mã ngành mới và thực hành trên các thiết bị hiện đại. (Ảnh: VOV)

Song, học tập cũng cần có động lực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát triển nền kinh tế quốc gia giai đoạn tới, không thể tiếp tục đi theo “lối mòn” mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao hiệu suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên mà còn tạo động lực để họ gắn bó và cống hiến lâu dài.

Cho rằng người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh, Chính phủ cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, để tiền lương thực sự là động lực tăng NSLĐ, thúc đẩy kinh tế thị trường. Ngoài ra, TS. Phạm Thu Lan cũng đề nghị tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện, thu hút nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm; luật hóa trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn…

Trong bối cảnh như vậy, tin vui là Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại (tương ứng với tỷ lệ tăng 30%). Đồng thời, lương tối thiểu vùng cũng được tăng 6%. Điều này khiến nhiều đoàn viên, người lao động, nhất là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vui mừng, phấn khởi.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Ngọ Duy Hiểu kỳ vọng việc điều chỉnh lương giúp cải thiện, nâng cao đời sống và tạo động lực làm việc, cống hiến cho đoàn viên, người lao động. “Cải cách tiền lương tạo nên đột phá mới trong tăng lương cho đoàn viên người lao động, để lương thực sự là nguồn thu nhập chính, đủ để nuôi sống người lao động và các thành viên gia đình họ. Qua đó, góp phần thu hút cán bộ giỏi vào hệ thống tổ chức bộ máy, đặc biệt góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước”, ông Hiểu nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Chính phủ cần có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế đà gia tăng các mặt hàng thiết yếu, lĩnh vực, nhất là giáo dục, y tế, xăng dầu để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa. Khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.

Hương Giang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-di-doi-voi-dai-ngo-hop-ly-post517936.html