Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Thúc đẩy hội nhập và phát triển

ThS Nguyễn Đặng Huỳnh, giáo viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã nghiên cứu trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: THÁI HÀ

Sau nhiều năm thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực KH-CN, đến nay đội ngũ cán bộ KH-CN của tỉnh đã không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, nguồn lực KH-CN nói riêng.

Tháo gỡ khó khăn, bất cập

Thuật ngữ nguồn nhân lực chất lượng cao lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng trong Văn kiện Ban Chấp hành Trung ương khóa IX với nội dung: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua con đường phát triển GD-ĐT, KH-CN chính là khâu then chốt để nước ta vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển”. Từ đó, thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến để chỉ một bộ phận ưu tú của nguồn nhân lực, những nhân lực không chỉ thể hiện ở tấm bằng, chứng chỉ học vấn, nghề nghiệp mà chủ yếu ở chất lượng văn hóa, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thông qua quá trình đào tạo và đào tạo lại, nguồn lực chất lượng cao đã có sự phát triển. Một số lượng đáng kể cán bộ KH-CN có trình độ chuyên môn được thu hút thông qua các chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

Mỗi địa phương nói riêng, quốc gia nói chung, muốn phát triển kinh tế - xã hội, cần các nguồn lực gồm: Con người, tài nguyên thiên nhiên, vốn, KH-CN… Trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định.

Theo PGS.TS Tăng Văn Khiên, nguyên Viện trưởng Viện Thống kê, ở tỉnh Phú Yên, nhân lực tham gia hoạt động kinh tế (số lao động từ 15 tuổi trở lên) làm việc trong các ngành kinh tế năm 2018 hơn 546.000 người, nhưng trong số này, nhân lực đã qua đào tạo chỉ khoảng 97.800 người, chiếm 17,89% lực lượng lao động. Nếu so sánh với mặt bằng chung cả nước và các tỉnh lân cận, tỉ lệ lao động qua đào tạo của Phú Yên còn thấp.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phát triển đội ngũ nhân lực KH-CN của tỉnh có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Trong đó đẩy mạnh phát triển nhân lực KH-CN bao gồm cả việc đào tạo, đào tạo lại gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài; thực hiện tốt chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ.

Đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, các quốc gia đều chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, Phó Giám đốc Sở TT-TT, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển nhân lực KH-CN của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Sự bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành của cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển nhân lực KH-CN. Vì vậy, hơn lúc nào hết, yêu cầu phát triển nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực KH-CN càng trở nên cấp bách.

ThS Nguyễn Hoài Sơn đưa ra con số thống kê, phân tích: Từ năm 2012-2018, Phú Yên thu hút được 59 trí thức, có 119 công chức viên chức được tham gia đào tạo sau đại học trong nước, 3 cán bộ được cử đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Đặc biệt để đạt chỉ tiêu 9 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020, Phú Yên đang “trải thảm đỏ” mời bác sĩ giỏi về tỉnh công tác. Nhờ chính sách này, trong 4 năm qua tỉnh đã tuyển được 119 bác sĩ, trong đó có 82 bác sĩ đa khoa, 6 bác sĩ răng hàm mặt, 10 bác sĩ y học cổ truyền, 15 bác sĩ y học dự phòng.

Từ năm 2016 đến tháng 4/2018, tỉnh đã xét cử tuyển 47 sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, địa bàn khó khăn vào học tại các trường đại học, trong đó chuyên ngành Y có 31 sinh viên... Những kết quả trên dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã thể hiện sự quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là tinh thần khát khao trọng dụng nhân lực có chất lượng cao của tỉnh.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng ở Phú Yên như: Trường đại học Phú Yên, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên… cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/230680/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao--thuc-day-hoi-nhap-va-phat-trien.html