Phát triển nguồn nhân lực du lịch: Đổi mới để thích nghi

Sau dịch Covid-19, ngành Du lịch phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với việc phục hồi và tăng trưởng nhanh, các vấn đề chất lượng nguồn nhân lực luôn được đặt ra cấp bách.

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024 đang diễn ra tại Hà Nội, những vấn đề về đào tạo, phục hồi nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo diễn ra chiều qua 12-4.

Những hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia.

Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia.... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài.

Hội thảo quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo diễn ra chiều qua 12-4

Hội thảo quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo diễn ra chiều qua 12-4

Theo GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp; và 04 trung tâm đào tạo nghề.

Có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial đào tạo theo mô hình Hotel Coglec và Trường Trung cấp du lịch – khách sạn Saigontourist của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.

Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.

Nhân viên của Flamengo Redtour tư vấn cho du khách tại gian hàng trong Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2024

Nhân viên của Flamengo Redtour tư vấn cho du khách tại gian hàng trong Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2024

So với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.

Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh thỏa thuận tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN. Một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, trong khi đó, Việt Nam cũng có thể thu hút các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt nhân lực.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cũng bày tỏ quan điểm, so với các nước trong khu vực, lao động Việt Nam được đánh giá chăm chỉ, thông minh, tích cực học hỏi. Tuy nhiên, so với các nước, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh.

Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cao cấp, mà chủ yếu hành nghề cơ bản. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của đơn vị.

Cần những tiêu chuẩn cao hơn

PGS.TS Phạm Trung Lương, Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam nhấn mạnh, cần có hệ thống chính sách đào tạo phù hợp, trong đó nổi bật là chính sách thu hút giảng viên có trình độ từ bên ngoài bao gồm cả các giảng viên từ các cơ sở đào tạo có danh tiếng trong khu vực và trên thế giới. Chính sách nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên; chính sách khuyến khích gắn kết hoạt động giảng dạy với hoạt động nghiên cứu; chính sách hỗ trợ nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo. Đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống chính sách cần không có sự phân biệt đối với các cơ sở đào tạo có hình thức sở hữu khác nhau.

Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, hiện tại chưa có sự thay đổi mang tính đột phá trong việc lựa chọn mô hình đào tạo. Theo đó, mô hình đào tạo chủ yếu hiện nay vẫn theo “vết mòn”, mang nặng tính hành chính của thời kỳ “bao cấp”, chưa tôn trọng nguyên tắc “cung – cầu”, thiếu tầm nhìn trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì thế, cần đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn.

Phân tích những yếu điểm trong khâu đào tạo nguồn nhân lực du lịch, PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cũng cho rằng, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch.

“Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn!”, ông Thắng nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nêu vấn đề cần phải có những chuẩn mực riêng trong đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế để các cơ sở đào tạo có định hướng xây dựng phương thức đào tạo phù hợp.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là: Thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Long gợi ý, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu.

“Không thể 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm đúng nghề, mà chỉ có khoảng 20-25% gắn với nghề, còn lại vẫn chuyển công việc khác. Phải có những nhân sự thật sự yêu nghề thì mới nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý định hướng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cụ thể, để các trường xây dựng mô hình đào tạo đạt chất lượng”, PGS.TS Phạm Hồng Long nêu ý kiến.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, nguyên cán bộ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, cần cơ cấu lại mạng lưới phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là cơ sở giáo dục du lịch; đa dạng hóa các cơ sở phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-doi-moi-de-thich-nghi-post573231.antd