Phát triển nhà đầu tư tổ chức để nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán

Phát triển nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng, nâng hạng thị trường chứng khoán.

Ngày 19/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức sự kiện thường niên “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.

Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương và đại diện lãnh đạo Tổng công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp niêm yết; hiệp hội ngành nghề... cùng các hội viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chúc mừng Câu lạc bộ Chứng khoán đã có những hoạt động nghiêm túc và hiệu quả, mang lại nhiều tác động tích cực tới sự phát triển chung của thị trường chứng khoán, thị trường vốn trong những năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, chủ đề mà Câu lạc bộ đưa ra trong Đối thoại tháng 7 thường niên 2024 là hết sức thiết thực đối với quá trình nâng hạng, phát triển thị trường chứng khoán.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, phát triển nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng, nâng hạng thị trường chứng khoán.

“Nhiệm vụ này, cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính, UBCKNN đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển thị trường trong thời gian tới”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, để phát triển số lượng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trước hết phải thay đổi được nhận thức, tư duy đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân. Thay vì tự mở tài khoản, tự quyết định giao dịch nhưng dễ bị tác động bởi nhiều thông tin không chính thức, nhà đầu tư cá nhân có thể thông qua các tổ chức, quỹ chuyên nghiệp có kiến thức sâu về thị trường.

"Khi đã phát triển nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, thị trường chứng khoán chỉ cần 5-6 triệu tài khoản giao dịch thực, trong đó có một nửa là nhà đầu tư tổ chức thì chất lượng thị trường cũng được nâng lên rất nhiều", Thứ trưởng Chi nói.

Về phía UBCKNN, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương chia sẻ, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, trong suốt thời gian qua, UBCKNN luôn chú trọng tới công tác thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách thu hút đầu tư vốn gián tiếp, các giải pháp liên quan tới thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường chứng khoán cũng luôn được cơ quan quản lý chú trọng, cải tiến. Nhờ đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán trong nước ngày càng gia tăng; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã hiện diện ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp với nhiều vai trò khác nhau, từ cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hay nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp trên thị trường thông qua các quỹ đầu tư.

Theo bà Phương, các nhà đầu tư nước ngoài thông qua dòng vốn của mình đã góp phần cùng thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển trong thời gian qua. Thông qua đó, đã hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao quản trị công ty, tiệm cận gần hơn với các thông lệ tốt của quốc tế; đồng thời cũng góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 45,64 tỷ USD, tương đương 19% quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu.

“Chúng tôi tin rằng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, các thành viên thị trường và những nỗ lực của UBCKNN sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, thu hút nhà đầu tư tổ chức quốc tế”, bà Phương nói.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ở góc độ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital đã “tiết lộ” 3 lý do khối ngoại rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản họ rút khỏi thị trường mới nổi do họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất, khi "tăng thì nhanh giảm thì chậm" nên họ thất vọng.

Thứ hai, khối ngoại hiện thực hóa lợi nhuận, rủi ro tỷ giá Việt Nam lớn trong khi họ lãi lớn vài chục phần trăm rồi thì sẽ bán luôn, bởi giữ lại sẽ lỗ do tỷ giá.

Thứ ba, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lo lắng thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều đặc thù, lo lắng về triển vọng bất động sản và tỷ giá.

Do đó, để “giữ chân” và thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải cải thiện và “làm mới” sản phẩm trên thị trường hơn nữa.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng đã có những phân tích cụ thể về tình hình thị trường chứng khoán hiện nay, cơ hội và thách thức trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi và bàn sâu hơn về các giải pháp thu hút, nâng cao tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong gần 20 năm qua, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã xây dựng được một cộng đồng sinh hoạt nghề nghiệp cho các thành viên là những phóng viên, biên tập viên chuyên về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, góp sức tạo ra cầu nối hữu ích giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên thị trường và nhà đầu tư với giới truyền thông. Từ đó góp sức tích cực thông tin, tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, UBCKNN.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phat-trien-nha-dau-tu-to-chuc-de-nang-cao-chat-luong-thi-truong-chung-khoan.html