Phát triển nhà ở xã hội: Cần gỡ vướng ở đâu?

Ban Bí thư mới ban hành Chỉ thị 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong tình hình mới. Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh NƠXH đang là mối quan tâm lớn hiện nay, cả xã hội và nhà đầu tư (NĐT) đều kỳ vọng Chỉ thị sớm đi vào cuộc sống.

Cần có chính sách đặc thù về phát triển nhà cho người có thu nhập thấp. (Ảnh: CTV)

Cần có chính sách đặc thù về phát triển nhà cho người có thu nhập thấp. (Ảnh: CTV)

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư cho biết, trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là NƠXH. Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn NƠXH và có khoảng 374.000 căn NƠXH đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Bí thư đánh giá, công tác phát triển NƠXH vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều mục tiêu về phát triển NƠXH trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được; Nguồn cung NƠXH còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; Giá NƠXH bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; Công tác quản lý nhà nước về NƠXH vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; Tỉ lệ quỹ đất dành cho phát triển NƠXH khu vực đô thị thấp; Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi NƠXH còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia; Còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, nhất là tại các vùng khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Một trong những nhiệm vụ giải pháp được Ban Bí thư nhấn mạnh trong Chỉ thị là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến NƠXH, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế...

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối tượng được hưởng chính sách NƠXH phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng; nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công và các đối tượng chính sách tại các chương trình mục tiêu; Thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong thực hiện NƠXH; Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù về NƠXH cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân…

Kỳ vọng Chỉ thị đi vào cuộc sống

Từ thực tế xây nhà ở cho công nhân (NƠCN) từ năm 2016, ông Vũ Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng QUALIPRO cho rằng có 6 vấn đề cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất, vấn đề bố trí quỹ đất làm NƠXH. Việc áp dụng cứng nhắc quy định bố trí tối thiểu 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại (NƠTM) để xây dựng NƠXH đã vô tình làm đẩy giá NƠXH lên cao, đặc biệt là khi các dự án NƠTM tại các vị trí đất đẹp, trung tâm…, cũng như các chi phí sinh hoạt sau này do những vị trí trung tâm sẽ đắt đỏ, không phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. “Nên chăng việc quy định dành 20% quỹ đất ở của dự án NƠTM để làm dự án NƠXH sẽ tùy thuộc vào vị trí của từng dự án mà áp dụng hoặc gom các quỹ đất đó thành một dự án NƠXH được bố trí tập trung tại một vị trí thích hợp thì có lẽ sẽ phù hợp với thực tiễn hơn” - ông Kiên đề xuất.

Thứ hai, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Thực tế cho thấy, khi dự án NƠXH nằm trong/cạnh dự án NƠTM, người dân có đất sẽ có sự so sánh về các chính sách hỗ trợ GPMB giữa hai dự án. Tới đây khi Luật Đất đai mới được áp dụng, với các dự án NƠTM, NĐT sẽ thỏa thuận giá đền bù GPMB, còn dự án NƠXH thì áp giá theo quy định của Nhà nước. Như vậy, chênh lệnh về giá đền bù GPMB (mặc dù 2 dự án ngay cạnh nhau) giữa 2 loại hình dự án (NƠTM và NƠXH) sẽ càng lớn, khi đó công tác GPMB các dự án NƠXH càng khó thực hiện.

Thứ ba, việc miễn giảm tiền sử dụng đất (SDĐ) đối với dự án NƠXH, NƠCN hiện phải qua bước tính toán sau đó mới tiến hành miễn tiền SDĐ cho NĐT khiến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài.

Thứ tư, việc hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với dự án NƠXH, mặc dù đã có quy định nhưng hầu hết các dự án đều chưa được hưởng chính sách này…

Thứ năm, về quy định giá bán NƠXH, cần khẳng định nhà cho người thu nhập thấp nhưng các yêu cầu về chất lượng công trình, sự an toàn, tiện ích của công trình vẫn cần phải bảo đảm theo quy định và không thấp hơn nhiều so với các dự án NƠTM mức trung bình. Việc hạ giá bán, giá thuê cần thực hiện bằng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước chứ không phải bằng sự cắt giảm tiện ích cũng như chất lượng công trình.

Thứ sáu, về quy định đối tượng được thuê/mua NƠCN, bên cạnh nguyên nhân về việc xét duyệt đối tượng công nhân được thuê/mua hiện đang tương đối phức tạp, nhiều thủ tục thì thực tế công nhân thường có tâm lý không mua, phần nhiều công nhân chỉ thuê để ở.

Để giải quyết vấn đề này, DN đề xuất nên áp dụng cơ chế cho phép các chủ DN sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng hoặc được đứng ra thuê cả sàn, tòa NƠCN rồi cho công nhân của họ ở miễn phí hoặc thuê lại với giá ưu đãi (như là một phần phúc lợi DN dành cho CN), khi đó NĐT dự án NƠXH cũng sớm thu hồi vốn, DN giữ được người lao động còn người lao động được ở căn hộ với giá hợp lý, từ đó sẽ thúc đẩy được việc đầu tư NƠCN, bảo đảm được vấn đề an sinh xã hội…“Để hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành thực tế thì cần có sự đồng bộ, vào cuộc của tất các bộ phận, các khâu liên quan đến quá trình triển khai dự án” - đại diện QUALIPRO nói.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-trien-nha-o-xa-hoi-can-go-vuong-o-dau-post514066.html