Phát triển nhà ở xã hội cần những giải pháp đồng bộ (Bài 2)

Là một trong những tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An có tốc độ phát triển KT-XH hàng năm duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thứ 12 cả nước và tốp 3 cả nước về quy mô các khu công nghiệp. Những năm qua, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều đô thị được mở rộng về không gian, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng. Việc hình thành các khu nhà ở, khu đô thị góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án (DA) phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đa số là DA nhà ở thương mại, thiếu phân khúc xây dựng các DA nhà ở xã hội (NƠXH). Trong khi đó, nhu cầu NƠXH của công nhân, lao động (CNLĐ), người có thu nhập thấp vẫn rất cao. Để đạt mục tiêu hoàn thành 95.000 căn NƠXH vào năm 2030 rất cần những giải pháp đồng bộ.

Bài 2: Phát triển nhà ở xã hội không đạt chỉ tiêu nghị quyết

Giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu đặt ra sẽ có thêm 5.702 căn nhà ở dành cho các đối tượng xã hội, tuy nhiên, thực tế chỉ thực hiện được 1.581 căn, đạt 27,7%. Thậm chí năm 2021 không có NƠXH hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng.

Giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 27,7%

Những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp đột phá, Long An liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm sáng về KT-XH khi vươn lên dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về quy mô nền kinh tế và đứng thứ 12 trong số các tỉnh, thành phố cả nước. Hiện toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 10.173ha đã được cấp chủ trương đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt 42%, trong đó, có 24 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy là 65%, 18 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 86%. Thống kê hiện nay, toàn tỉnh có 178.405 lao động (LĐ), trong đó có 2.686 LĐ nước ngoài, 58.620 LĐ ngoài tỉnh đang ở trọ để đi làm.

 Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc (thứ 3, trái qua) khảo sát nhà trọ công nhân

Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc (thứ 3, trái qua) khảo sát nhà trọ công nhân

Cùng với phát triển KT-XH, tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có NƠXH cho công nhân (CN) và người có thu nhập thấp, nhà ở CN tại các khu, cụm công nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội an cư mới lạc nghiệp, thu hút và giữ chân người LĐ. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết (NQ), gồm: NQ số 13/2020/NQ-HĐND, ngày 09/7/2020 và NQ số 10/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 về Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra các chỉ tiêu phát triển NƠXH cho CN giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,39 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 khoảng 9,426 triệu m2 sàn. Thực hiện NQ của HĐND tỉnh, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chương trình Phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 DA NƠXH dành cho CN và người thu nhập thấp hoàn thành và đưa vào sử dụng với 1.884 căn, tổng diện tích sàn hoàn thành là 74.637,62m2 và 20.000 căn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư, diện tích khoảng 300.000m2, bố trí được 37.800 CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp sinh sống. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 18 DA NƠXH dành cho người thu nhập thấp, CN KCN đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025, với diện tích đất xây dựng khoảng 38,71ha. Khi hoàn thành, diện tích NƠXH lên đến 876.576m2 sàn, tương đương với 16.075 căn, dự kiến bố trí khoảng 64.000 CNLĐ.

Tuy nhiên, qua thống kê, mặc dù đặt chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2021 có thêm 5.702 căn nhà ở dành cho các đối tượng xã hội nhưng giai đoạn này, toàn tỉnh chỉ thực hiện được 1.581 căn, đạt 27,7%. Riêng năm 2021 không có NƠXH hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng. Ngoài ra, 11 đồ án tại khu vực đô thị loại II và loại III chưa xác định diện tích đất để xây dựng NƠXH khi lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tỷ lệ quỹ đất quy hoạch dành để xây dựng NƠXH trong khu dân cư, khu đô thị, KCN chưa bảo đảm theo quy định bắt buộc, chưa bố trí đủ 20% quỹ đất trong các DA khu dân cư, khu đô thị và 2% tổng diện tích quy hoạch các KCN để xây dựng NƠXH. Từ đó dẫn đến việc phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh không đạt chỉ tiêu của NQ HĐND tỉnh.

Còn nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Thông tin từ Sở Xây dựng, sở dĩ việc phát triển NƠXH chưa đạt theo chỉ tiêu NQ của HĐND tỉnh đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán NƠXH còn phức tạp và mất nhiều thời gian như chủ đầu tư DA NƠXH để được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, riêng thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm; việc thẩm định, xác định đối tượng, giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua phải được cơ quan nhà nước thẩm định cũng kéo dài thời gian gây tốn kém cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện nay, mức lợi nhuận của nhà đầu tư bị khống chế không quá 10% nên chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc NƠXH.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương cấp huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, chưa xác định rõ quỹ đất trong quy hoạch đô thị, KCN và chưa thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất trong các DA nhà ở thương mại để phát triển NƠXH. Từ đó dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các DA NƠXH.

Dù là địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp nhưng huyện Đức Hòa vẫn chưa có nhiều nhà ở xã hội, hầu hết công nhân phải thuê trọ (Trong ảnh: Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc (bìa phải) khảo sát tại nhà trọ công nhân Hai Bình, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa)

Dù là địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp nhưng huyện Đức Hòa vẫn chưa có nhiều nhà ở xã hội, hầu hết công nhân phải thuê trọ (Trong ảnh: Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc (bìa phải) khảo sát tại nhà trọ công nhân Hai Bình, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa)

Đơn cử như tại huyện Đức Hòa, dù là địa phương có đông CNLĐ nhưng những mô hình đầu tư ký túc xá CN hay NƠXH thực tế vẫn rất hiếm hoi. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đức Hòa - Bùi Văn Út, hiện việc đầu tư các DA NƠXH còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong phân khúc này. Cũng vì vậy, các doanh nghiệp vẫn chỉ chú trọng đến phân khúc nhà ở thương mại, còn NƠXH dành cho CNLĐ, người có thu nhập thấp vẫn chưa được quan tâm. Hay tại huyện Cần Giuộc, ngoài khu lưu trú CN tại KCN Long Hậu đã đi vào hoạt động thì trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tại huyện còn có 5 DA NƠXH cho CN, người có thu nhập thấp được triển khai. Tuy nhiên, hiện có đến 3 DA đã thu hồi chủ trương đầu tư, còn 2 DA vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý.

Ngoài ra, việc huy động vốn để thực hiện việc phát triển NƠXH cũng gặp nhiều khó khăn do ngân sách Trung ương chưa bố trí đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH, nhà ở CN. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, tỉnh chỉ bố trí được khoảng 67 tỉ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng cùng Trung ương đầu tư các DA thiết chế Công đoàn. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngân sách tỉnh hỗ trợ bố trí khoảng 130 tỉ đồng trong thực hiện đề án phát triển NƠXH, trong khi đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư 95.000 căn NƠXH cần tổng vốn xây dựng khoảng 36.000 tỉ đồng. Việc có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp được xem là một giải pháp trong phát triển NƠXH hiện nay./.

(còn tiếp)

Kiên Định

Bài cuối: Cần những giải pháp đồng bộ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-trien-nha-o-xa-hoi-can-nhung-giai-phap-dong-bo-bai-2--a156239.html