Phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế và chất lượng cao (*)
Với sự đoàn kết, nhất trí, trách nhiệm, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát triển nhanh, mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành dịch vụ chất lượng cao để xây dựng và phát triển TP. Mỹ Tho một cách toàn diện, đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.
THAY ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra phương hướng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế đô thị. Bám sát nhiệm vụ đó, kết hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10, Nghị quyết 11 và Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy, thành phố đã tập trung những giải pháp đồng bộ nhằm từng bước phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế ở thành phố; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phù hợp với điều kiện của đô thị.
Phát huy lợi thế, tiềm năng, thành phố đã tập trung phát triển ngành dịch vụ; đặc biệt là phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, các ngành dịch vụ tài chính, vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; các khu dân cư - đô thị mới. Nhờ đó, giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng bình quân 6,47%/năm. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân hằng năm 12%, chiếm hơn 41%/tổng mức bán lẻ của cả tỉnh.
Thời gian qua, lĩnh vực tài chính tiền tệ đã thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều ngân hàng thương mại, giao dịch bất động sản; nhiều loại hình bảo hiểm. Các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách, các công ty viễn thông và các dịch vụ khác được triển khai đáp ứng ngày càng cao cho nhu cầu sản xuất và đời sống người dân: Đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại dịch vụ Mỹ Tho; Dự án Trung tâm Thương mại Mỹ Tho đang triển khai; xây dựng mới chợ Thới Sơn; mô hình mua sắm tiện lợi như chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, Vinmart+... được phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố.
Lĩnh vực du lịch được sự quan tâm, đầu tư khá đồng bộ. Thành phố đã liên kết, phối hợp với các đơn vị tư vấn, khảo sát các tour, tuyến, điểm du lịch, tập trung đầu tư, liên kết khai thác Khu du lịch sinh thái Thới Sơn, Tân Long, tham quan dọc sông Tiền gắn với các di tích lịch sử văn hóa của thành phố. Chỉnh trang các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: Mở rộng Khu Di tích bia căn cứ Thành ủy và bia căn cứ Thành đội, triển khai đầu tư, hoàn thành các công trình cầu, đường, cầu tàu ở Khu du lịch Thới Sơn, chỉnh trang khu di tích, mua sắm đồ vật, di vật để đưa vào khai thác du lịch nhà Bạch công tử, chỉnh trang các mảng xanh của thành phố. Mời gọi đầu tư đưa vào khai thác khách sạn 4 sao của Công ty cổ phần Mê Kông, 2 khách sạn 3 sao của Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang, Công ty cổ phần Thương mại Mỹ Tho; các điểm du lịch được đầu tư mới như các vườn hoa ở xã Phước Thạnh, xã Trung An…
Đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, thành phố cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn hiểu biết kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai; đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, đúng quy định; hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy tối đa khả năng trong việc phát triển sản xuất. Hỗ trợ Hội Doanh nhân thành phố hoạt động, nhất là về khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, có sự chọn lọc những ngành nghề ít ảnh hưởng môi trường, khai thác nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động tại địa phương và các vùng lân cận như: Chế biến lương thực, thực phẩm, may mặc…
Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang nền nông nghiệp đô thị với những mô hình sản xuất tiên tiến như: Chuyên canh bưởi da xanh, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng thanh long ruột đỏ, thanh long vỏ vàng trên dây cáp, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, rau thủy canh, ươm nuôi cá Koi Nhật. Đặc biệt là vùng trồng hoa tươi ở phường 9, xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả canh tác và từng bước hình thành thương hiệu “Làng hoa Mỹ Tho”. Việc áp dụng các loại hình dịch vụ nông nghiệp như: Dịch vụ thú y, cung cấp các loại vật tư sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, tập huấn, hội thảo, trình diễn các mô hình, hướng dẫn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng, thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường… đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.
Việc tập trung lãnh đạo phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế ở thành phố đã góp phần quan trọng thúc đẩy bước tăng trưởng kinh tế địa phương với mức tăng bình quân 11%/năm (Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ đề ra là 7% - 9%/ năm); tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015; là tiền đề quan trọng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về thu ngân sách, tạo nguồn lực đầu tư phát triển và đảm bảo nhiệm vụ chi các sự nghiệp kiến thiết thị chính, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.
TĂNG DẦN TỶ TRỌNG KHU VỰC DỊCH VỤ
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kinh tế thành phố trong thời gian qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Ngành dịch vụ tuy có tăng qua các năm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; lĩnh vực dịch vụ chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn; quy mô các ngành dịch vụ còn nhỏ, kết cấu hạ tầng và hoạt động phục vụ du lịch còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ; năng lực tài chính, năng lực quản lý, kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Từ kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, thành phố đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ thành phố là: “Phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ bất động sản nhằm tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và phát triển đô thị trung tâm”. Đó cũng là các ngành dịch vụ có lợi thế so sánh, chất lượng cao của thành phố.
Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, thành phố sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là thương mại, du lịch, bất động sản, dịch vụ vận tải, tài chính và y tế chất lượng cao; tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 khu vực dịch vụ chiếm 43%, khu vực công nghiệp chiếm 54%, khu vực nông nghiệp chiếm 3% trong cơ cấu kinh tế.
Thực hiện tốt chính sách phát triển thị trường bất động sản gắn với công tác quy hoạch, khắc phục tình trạng phát triển đô thị, bất động sản một cách tự phát; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ khác một cách đồng bộ; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Thành phố sẽ tập trung mời gọi đầu tư các dự án về phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế chất lượng cao, kho bãi, bất động sản.
Đồng thời, thành phố mở thêm các tuyến, điểm du lịch mới, đa dạng các sản phẩm du lịch để tạo sức hấp dẫn du khách; đưa vào hoạt động phố đi bộ, phố đặc sản; mời gọi đầu tư khu dịch vụ hỗn hợp sông Tiền gắn với du lịch đường sông; tập trung phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế chủ lực của thành phố: Tăng cường quảng bá du lịch thông qua truyền thông, lễ hội, các sự kiện kinh tế, văn hóa, thể thao…; khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản đô thị Mỹ Tho hơn 340 năm qua, đặc biệt là bảo tồn, tôn tạo các di tích để phục vụ du lịch, tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư đến với TP. Mỹ Tho; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu như chế biến thực phẩm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp hỗ trợ theo hướng sản xuất hàng hóa có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh.
Sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ sinh học là hướng đi thành phố cũng tính đến. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ khuyến khích, hỗ trợ phát triển mạnh nông nghiệp đô thị gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế địa phương gắn với thực hiện mô hình mỗi xã một sản phẩm. Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức hệ thống sản xuất, thu mua, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần và thu mua cá trên biển kết hợp với tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Lập dự án, đề xuất triển khai một số công trình, dự án trọng điểm, như: Dự án kè sông Bảo Định; khu tái định cư phường 5, đường vành đai 1; đường Đoàn Thị Nghiệp đoạn từ đường Nguyễn Thị Thập đến đường Phạm Hùng; Công viên Tết Mậu Thân. Thành phố cũng sẽ tập trung mời gọi đầu tư các dự án lớn như: Khu dịch vụ hỗn hợp sông Tiền, hệ thống xử lý nước thải khu đô thị trung tâm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nghiên cứu tiền khả thi và thực hiện đầu tư các khu dân cư, dịch vụ, khu dân cư Trung An, khu đô thị Mỹ Phong, đường Nguyễn Công Bình nối dài và khu dân cư 2 bên đường, đường nối từ đường Nguyễn Công Bình đến đường Đoàn Thị Nghiệp và khu dân cư 2 bên đường, khu dân cư Đông Bắc… Thành phố sẽ chú trọng lãnh đạo thực hiện dự án có tính đột phá: Đường Nguyễn Công Bình nối dài và khu dân cư 2 bên đường, khu dân cư Đông Bắc, khu dịch vụ hỗn hợp sông Tiền, Công viên Tết Mậu Thân, trục đường vành đai 1…
NGUYỄN THÀNH CÔNGPhó Bí thư Thành ủy,Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho
(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt.