Phát triển nhanh vùng đồng bằng sông Hồng

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy liên kết, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Sáng 17-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, chủ trì hội nghị lần thứ 4 của hội đồng. Dự hội nghị có các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Dẫn dắt tăng trưởng của cả nước

Báo cáo hội nghị cho biết trong 7 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 7,21%, cao hơn so với bình quân chung cả nước; thu ngân sách đạt hơn 521.000 tỉ đồng, cao nhất cả nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách cả nước. Vùng cũng dẫn đầu cả nước về số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, với 5,7 tỉ USD tại 645 dự án.

Về quy hoạch vùng, đến nay, vùng đã trình và được phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch 10/11 địa phương. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong vùng đang tích cực rà soát cơ chế, chính sách đặc thù để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Thực hiện theo quy hoạch, một số địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, liên kết vùng.

Đại diện các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tham dự Hội nghị lần thứ tư Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: TTXVN

Đại diện các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tham dự Hội nghị lần thứ tư Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, đại diện UBND TP Hà Nội báo cáo đề xuất phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội; tỉnh Hà Nam báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam; tỉnh Ninh Bình báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị cố đô Hoa Lư… Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương còn thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, nguồn lực… để tiếp tục đưa vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo và các ý kiến, đề xuất, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo kết luận của Chủ tịch Hội đồng.

Thủ tướng cho hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời luôn đau đáu về sự phát triển của các vùng. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về các vùng và Chính phủ có các chương trình hành động, thành lập các hội đồng vùng. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục trao đổi, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển, liên kết các vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Thủ tướng khẳng định việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng nhanh, toàn diện, bền vững là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, với nhiều khó khăn, thách thức, kỳ vọng và trách nhiệm, góp phần hoàn thành Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng các cấp của các tỉnh, thành phố trong vùng đã đề ra.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng rà soát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới.

Trong đó, việc triển khai quy hoạch và phát triển vùng phải đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp; phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; phát triển kinh tế vùng theo chiều sâu; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế. "Trên tinh thần đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị". Trong đó, chú ý tập trung phát triển theo hướng 1 vùng động lực quốc gia (gồm Hà Nội và các địa bàn dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh); 2 tiểu vùng (phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng), 4 cực tăng trưởng (gồm thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng); 5 hành lang kinh tế trong nước và kết nối quốc tế (gồm các hành lang kinh tế: Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội) với tất cả hình thức kết nối giao thông phát triển bậc nhất cả nước.

Về triển khai dự án, Thủ tướng lưu ý phải ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng. Các bộ, ngành, địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thành thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án vùng và liên vùng; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án quan trọng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch để triển khai, ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Gấp rút thi công tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Chiều tối 17-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi thị sát thi công dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Đắk Lắk.

Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) gần 22.000 tỉ đồng, dài 116,577 km, khởi công ngày 18-6-2023. Đến nay dự án thành phần 1 (tỉnh Khánh Hòa) đạt khoảng 20% khối lượng, dự án thành phần 3 (tỉnh Đắk Lắk) đạt 17%. Riêng dự án thành phần 2 (Bộ Giao thông Vận tải) do địa hình đồi núi, phải thi công nhiều hầm, cầu nên hiện khối lượng thi công đạt 9% - 10%. Tất cả các gói thầu đang bám sát tiến độ đề ra.

Sau khi khảo sát và nghe các đơn vị báo cáo, Thủ tướng yêu cầu UBND 2 tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa cùng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác các đoạn tuyến hoàn thành. Phấn đấu cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành 2 dự án thành phần 1 và 3.

C.Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-trien-nhanh-vung-dong-bang-song-hong-196240817220838455.htm