Phát triển nông nghiệp bền vững

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội thảo 'Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận', với những số liệu minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chỉ trong 3 năm, dự án đã tạo được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long ở Bình Thuận thành điểm sáng về mô hình nông nghiệp xanh. Cụ thể, đã góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của gần 5.000 nông dân, giới thiệu cho họ các phương pháp sản xuất xanh bền vững. Với việc chuyển đổi sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước thay vì phương thức truyền thống, nông dân có thể cắt giảm 68% lượng phát thải các bon và tiết kiệm 50% năng lượng. Việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời áp mái và các công nghệ tiết kiệm nước đã giúp giảm 42% lượng nước tiêu thụ, tiết kiệm cho mỗi trang trại ít nhất 600.000 đồng/ha.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh dự án này thể hiện cam kết của Việt Nam với sự phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để người nông dân được trao quyền áp dụng cách thực hành sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, là yêu cầu cốt lõi để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Dự án này, có thể nói, góp phần nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam trong mắt bạn hàng quốc tế. Việt Nam là đất nước nông nghiệp và từ 20 - 30 năm gần đây lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển mạnh, các ngành dịch vụ, du lịch, ngân hàng tài chính cũng phát triển nhanh; song một trong những cái gốc của Việt Nam vẫn là nông nghiệp. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đánh giá: “Đặc biệt, khi thế giới xảy ra nhiều biến động, những quốc gia tự sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm như Việt Nam lại cho thấy lợi thế về an ninh lương thực, an ninh thực phẩm”.

Thêm một yếu tố, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tự sản xuất được rất phong phú, từ gạo, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây… nên con số giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 là hơn 53 tỷ USD còn có thể tăng hơn. Đại diện EuroCham nhận định, nếu Việt Nam đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng được giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất thô, tăng chế biến sâu thì trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản được 100 tỷ USD/năm.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, là con số vẫn còn tương đối khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn DN đang hoạt động ở nước ta. Lãnh đạo ngành NN&PTNT cho rằng thu hút DN đầu tư vào ngành nông nghiệp là vấn đề các địa phương cần chú ý. Trong đó, phát triển nông nghiệp bền vững với sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, DN, người nông dân. Cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ cộng đồng DN đến người nông dân. Cộng đồng DN giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ "tự cung, tự cấp" sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Và đó là mối quan hệ tương hỗ, bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải "xin - cho". Nếu làm tốt được những điều này, chắc chắn người nông dân sẽ có thể làm giàu trên mảnh đất mình canh tác.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-post503314.html