Phát triển nông nghiệp bền vững

Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp TP. Huế giai đoạn 2021 -2024 bình quân đạt 2,94%/năm, chiếm 9,5% tỷ trọng GRDP, là mức tăng trưởng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn thành phố.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ tiên tiến của Israel ở xã Quảng Thái

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ tiên tiến của Israel ở xã Quảng Thái

Hiệu quả

Gần 9 năm trước, ông Trương Như Hải cùng một số hộ nông dân ở phường Thủy Biều (quận Thuận Hóa) bắt tay thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trên diện tích 1.500m2, ông Hải đầu tư hệ thống nhà kính rộng 1.300m2, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của Israel. Ưu điểm của mô hình là không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống làm mát, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể kiểm soát được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Thuận Hóa, bà Lê Thị Hương Nga, đây được xem là mô hình thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Huế. Với mô hình này, đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi nhờ nhu cầu của thị trường khá lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau thời gian triển khai, việc ứng dụng công nghệ đèn led trong sản xuất giống lan đại hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong thực hiện tại phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa, đã đạt được kết quả khả quan. Cây lan sinh trưởng và phát triển tốt hơn dưới điều kiện ánh sáng đèn led, các chỉ tiêu sinh trưởng cao hơn so với sử dụng đèn compact. Ông Ngô Thành, Phó Giám đốc Công ty cho biết, ngoài giảm chi phí tiền điện, việc sử dụng công nghệ đèn led kết hợp với ánh sáng tự nhiên còn giúp hệ số nhân giống lan tăng lên 4 - 5 lần, trong đó tỷ lệ sống của vườn ươm đạt trên 90%.

Về các vùng nông thôn, được chứng kiến và nghe nông dân kể chuyện mới cảm nhận về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã thực sự đi vào đời sống. Đó là Tổ hợp tác trồng rau sạch trong nhà màng ở xã Hương Phú (Phú Lộc), có 4 hộ thành viên tham gia với tổng vốn đầu tư ban đầu 2,2 tỷ đồng, đến nay tổng doanh thu bình quân hằng năm của các hộ hơn 650 triệu đồng. Hay như hộ ông Nguyễn Sinh ở xã Hương Xuân (Phú Lộc), với mô hình 2 nhà màng trồng hoa lan sinh thái được công nhận sản phẩm OCOP, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Đức, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến. Sản xuất nông nghiệp được ưu tiên phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, phát triển sản xuất nông sản an toàn và nông nghiệp công nghệ cao được xem là cơ hội để kinh tế nông nghiệp TP. Huế phát triển nhanh và bền vững hơn.

Mô hình nhà màng trồng hoa lan sinh thái của ông Nguyễn Sinh ở xã Hương Xuân (Phú Lộc)được công nhận sản phẩm OCOP

Mô hình nhà màng trồng hoa lan sinh thái của ông Nguyễn Sinh ở xã Hương Xuân (Phú Lộc)được công nhận sản phẩm OCOP

Phát triển theo chuỗi giá trị

Từ năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đã ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn. Tiếp đó, UBND TP. Huế triển khai Chương trình số 165/CTr-UBND về việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao TP. Huế giai đoạn 2023 - 2030.

Mục tiêu đặt ra trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN. Trong đó, nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc ứng dụng và nhân rộng các kết quả về KH&CN; từng bước tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Đức, con số 10 - 15% hộ nông dân, 15 - 20% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao là mục tiêu phấn đấu mà TP. Huế đặt ra trong năm 2025 này. Thành phố có kế hoạch xây dựng được ít nhất 3-5 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau; ít nhất có 10% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ 2-3 doanh nghiệp/tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện phát triển cơ sở dữ liệu số hóa của ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-153123.html