Phát triển nông nghiệp bền vững, thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ nông nghiệp

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tọa đàm 'Cơ hội tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản'.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế của Việt Nam. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phép Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trải dài khắp cả nước.

Nông nghiệp là ngành có lợi thế của Việt Nam

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao.

Việt Nam đã trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 43%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam vẫn đối diện với những thách thức như phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất kinh doanh vẫn chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu.

Vấn đề thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Theo Bộ trưởng, thống kê cho thấy có đến 70% - 85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng của hàng nông sản chưa đồng đều, công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao, dẫn đến cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp. Trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, bị hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.

Do quy mô nhỏ, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm…

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tác động tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt nông nghiệp sẽ bị tác động vô cùng mạnh mẽ. Xu hướng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã và mỗi người nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên.

“Chúng ta phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch, cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, cuối cùng là nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng"

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng cho rằng cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

"Đã đến lúc làm nông nghiệp quy mô có thể không cần lớn nhưng cần chú trọng hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tiết kiệm được sức lao động, nguồn nước, phân bón... Phải giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, không cần phải ly hương, ly nông," Bộ trưởng nói.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nhiều hơn nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ ngành tham mưu lên Chính phủ nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, hợp tác xã như Luật Hợp tác xã năm 2023, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Mỗi người nông dân phải trở thành chuyên gia về kinh tế nông nghiệp

Tại sự kiện, có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp hiệu quả tại Đài Loan (Trung Quốc), GS.TS Thái Đông Soán, Trường Đại học Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết việc dựa trên các điều kiện khí hậu, vị trí địa lý và thổ nhưỡng của từng vùng miền để quy hoạch thành các vùng trồng cây ăn quả, rau màu khác nhau, sẽ giúp phát huy được điểm mạnh, lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

GS.TS Thái Đông Soán, Trường Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc) tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

GS.TS Thái Đông Soán, Trường Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc) tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Gs Soán cũng chia sẻ về việc thực hiện các chương trình lên lớp và các chương trình đào tạo với sự tham gia của chính quyền và các liên đoàn hợp tác xã song hành cùng người nông dân trong phát triển nông nghiệp, người nông dân sẽ trở thành chuyên gia trong vấn đề nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp. Trang bị cho người nông dân kiến thức về ngành, không lạm dụng thuốc trừ sâu và không lãng phí tài nguyên.

Cũng theo GS Thái Đông Soán, có thể nghiên cứu các hệ thống quản lý năng lực sản xuất về rau quả, hoa màu. Hệ thống giúp theo dõi về tình hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm sẽ được nắm rõ, từ đó hỗ trợ vấn đề xuất khẩu.

“Nếu có những điều kiện trên sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ về nông nghiệp hơn,” GS Soán nói.

Đề cập đến mối liên hệ giữa môi trường sinh thái và nông nghiệp, theo GS Soán, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, buộc phải bảo vệ hệ sinh thái. Trên thế giới, tỷ lệ đất trồng về nông nghiệp chiếm hơn 60%, ngành nông nghiệp thực hiện trồng trọt quanh năm, do đó cần có những biện pháp kiểm soát về phân bón, thuốc trừ sâu, tránh để tác động đến hệ sinh thái.

Đối với nền nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia bày tỏ, trong tương lai ngành nông nghiệp Việt Nam nên đi theo hướng nông nghiệp an toàn thực phẩm bởi đi theo hướng này không những hỗ trợ tiêu thụ quốc tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-thu-hut-dau-tu-vao-cong-nghiep-phu-tro-nong-nghiep-31326.html