Phát triển nông nghiệp hiện đại cho đô thị sân bay

Để phát triển nông nghiệp xứng tầm với đô thị sân bay trong tương lai, H.Long Thành đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Nông trường trồng rau công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco tại xã Long Phước, H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Nông trường trồng rau công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco tại xã Long Phước, H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, các xã vẫn còn quỹ đất nông nghiệp lớn được khuyến khích, thúc đẩy phát triển NNCNC, góp phần xây dụng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

* Nông nghiệp tăng trưởng tốt

Theo báo cáo của UBND H.Long Thành, với định hướng phát triển đô thị, quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của H.Long Thành ngày càng thu hẹp. Cụ thể, năm 2021, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt hơn 19,5 ngàn ha, giảm 19,65% so với cùng kỳ năm ngoái do địa phương bàn giao đất cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án phi nông nghiệp khác. Trong đó, diện tích cây hằng năm còn gần 7,9 ngàn ha, cây công nghiệp lâu năm còn hơn 10 ngàn ha và gần 1,6 ngàn ha diện tích cây ăn trái.

Tuy nhiên, năm 2021, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện đạt trên 2,7 ngàn tỷ đồng, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Huyện cũng quan tâm xây dựng chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nên đến nay, toàn huyện đã có 15 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Toàn huyện hiện có 9 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết đều phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch.

Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết, với định hướng phát triển đô thị sân bay, quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của H.Long Thành ngày càng thu hẹp nên khó xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Nhưng trong năm 2022, địa phương tiếp tục đặt mục tiêu cao với giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt trên 2,8 ngàn tỷ đồng, tăng từ 3,7-4% so với cùng kỳ năm 2021.

* Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Về định hướng quy hoạch đất phát triển nông nghiệp của H.Long Thành là gần 7,3 ngàn ha, chiếm 16,9% tổng diện tích toàn huyện. Đa số quỹ đất nông nghiệp đều được quy hoạch theo định hướng phát triển NNCNC hoặc dành để phát triển dự án NNCNC. Cụ thể, xã Long Đức quy hoạch quỹ đất nông nghiệp hơn 1 ngàn ha, chiếm tỷ lệ 34,68% diện tích toàn xã và phần lớn quỹ đất này đều để phát triển dự án NNCNC. Xã Bình An quy hoạch đất trồng trọt, đất dự án NNCNC với quy mô hơn 1,3 ngàn ha…

Giai đoạn 2022-2025, các xã có tiềm năng, lợi thế phát triển NNCNC như: Bình An, Cẩm Đường, Long Đức, Long Phước, Bàu Cạn, Tân Hiệp, Phước Bình phấn đấu xây dựng được từ 1-2 vùng sản xuất NNCNC.

Trong thực tế, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vốn lớn phát triển NNCNC. Nổi bật là dự án đầu tư của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco đang đầu tư nông trường trồng rau công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính tại xã Long Phước với quy mô gần 84ha. Đây là vùng sản xuất rau sạch công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ông nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc vùng của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco cho biết, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau củ quả tươi, WinEco thực hiện quy trình sản xuất tập trung khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về mẫu mã, chất lượng và an toàn thực phẩm: từ việc chọn nguồn đất - nước, giống, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế - đóng gói - bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển đến tiêu thụ vào hệ thống siêu thị. Dự kiến trong tháng 4-2022, trung bình mỗi tháng, nông trường này sẽ cung cấp ra thị trường từ 120-130 tấn rau sạch và khoảng 140 tấn dưa lưới. Hiện nông trường đang tạo việc làm cho khoảng 200 lao động nông nghiệp. Mục tiêu lớn nhất của việc đầu tư dự án NNCNC của doanh nghiệp là sẽ tổ chức liên kết, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác an toàn đến người nông dân để hướng đến phát triển NNCNC, an toàn tại địa phương.

Theo ông Phạm Ngọc Vinh, Phó trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành, hiện địa phương đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư dự án NNCNC. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch phát triển NNCNC, huyện cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ hiện nay là đầu tư NNCNC cần số vốn lớn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là để đầu tư mô hình sản xuất NNCNC, các hộ dân hoặc nhà đầu tư đều phải xây dựng các hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh như: khu sơ chế, nhà kho, lò sấy, lán trại, nhà ở cho công nhân… Tuy nhiên, việc thực hiện các công trình xây dựng trên hiện đang vướng rất nhiều thủ tục về đất đai, xây dựng, giới thiệu địa điểm đầu tư… Khó khăn khác, do địa phương có rất nhiều dự án trọng điểm quốc gia, theo đó, giá đất tăng cao cũng là rào cản để người dân, nhà đầu tư tích lũy quỹ đất để phát triển sản xuất NNCNC với quy mô lớn.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202203/phat-trien-nong-nghiep-hien-dai-cho-do-thi-san-bay-3108526/