Phát triển nông nghiệp ở huyện Châu Phú

Xác định nông nghiệp giữ vai trò nền tảng, huyện Châu Phú tập trung chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, từng bước hình thành vùng sản xuất theo các chuỗi giá trị sản phẩm lương thực, nông sản chủ lực của huyện, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất.

Năm 2025, huyện Châu Phú đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện các mô hình chuỗi liên kết, từng bước tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung triển khai kế hoạch xuống giống đảm bảo lịch thời vụ, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cả năm 2025 đạt 87.938ha, trong đó cây lúa 82.123ha, rau màu 5.815ha, tổng sản lượng lương thực đạt 532.751 tấn; nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 217,8 triệu đồng/ha (tăng 0,6 triệu đồng/ha so năm 2024). Song song đó, phấn đấu đến cuối năm, diện tích trồng cây ăn trái đạt 2.570ha; triển khai mở rộng thêm 50ha diện tích tại các vùng sản xuất tập trung, như: Trồng nhãn xuồng tại tiểu vùng Bắc Cây Sung xã Khánh Hòa, trồng sầu riêng tại xã Bình Chánh, vùng chuyên rau màu tại xã Bình Thủy, vùng nuôi cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Mỹ Phú…

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú sẽ phối hợp các đơn vị liên quan mở lớp cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp cấp huyện và cấp xã để hỗ trợ nông dân tốt hơn. Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng nông - thủy sản, khả năng cạnh tranh, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

Phát triển nông nghiệp hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất

Phát triển nông nghiệp hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Văn Tính cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tập huấn, khuyến nông, đào tạo nghề cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, sử dụng giống xác nhận, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tuyên truyền người dân tham gia tổ liên kết sản xuất, chuỗi liên kết sản xuất và các hợp tác xã (HTX)… để đảm bảo quyền lợi, nhất là tham gia vào Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn huyện”.

Trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân, ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền giữa nông dân với nông dân thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, HTX, tổ hợp tác (THT), nhằm thay đổi tư duy của người dân về phương thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững. Tăng cường vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, như: Sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, sử dụng giống lai F1, giống nuôi cấy mô, áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách). Đồng thời, sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ sinh học, vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, như: Nuôi gia cầm trên đệm lót lên men, nuôi trong hệ thống chuồng kín và phát triển các sản phẩm sạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra; thực hiện tiêm phòng, cấp phát thuốc sát trùng cho hộ chăn nuôi để vệ sinh tiêu độc chuồng, trại, nhằm ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp các ngành liên quan củng cố, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các THT, HTX còn yếu, nâng chất các THT, HTX; tăng cường vận động nông dân tham gia HTX, THT sản xuất, để liên kết sản xuất, mở rộng dịch vụ và ký kết hợp đồng với công ty. Phát huy khả năng kết nối với các doanh nghiệp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu, cánh đồng lớn. Tập trung gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao, nạo vét các tuyến kênh mương để đảm bảo đủ nước tưới trong mùa hạn và tiêu úng tốt trong mùa mưa; theo dõi, kiểm tra, duy tu, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi. Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và vận chuyển nông sản.

Dự kiến năm 2025, tổng đàn heo đạt 4.000 con; trâu, bò 4.500 con; gia cầm 415.000 con. Ước sản lượng thịt 5.480 tấn, sản lượng trứng 75 triệu quả. Ước tổng diện tích ao nuôi 1.200ha, sản lượng đạt 105.500 tấn. Địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lươn thuộc mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Mỹ Tây; xây dựng kế hoạch kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-nong-nghiep-o-huyen-chau-phu-a413328.html