Phát triển nông nghiệp sạch ở vùng biên

Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, nhiều nông dân sinh sống trên vùng biên giới huyện Bù Đốp đã đổi mới tư duy, tiên phong học tập, phát triển mô hình nông nghiệp sạch, bền vững. Đây là hướng đi tất yếu hiện nay, không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường mà còn đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân.

NÓI KHÔNG VỚI PHÂN HÓA HỌC

Gia đình ông Lê Hoàng Thành ở thôn 10, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cũng như các hộ khác trong Câu lạc bộ tiêu sạch Thiện Hưng chăm sóc vườn tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. “Hơn 10 năm canh tác cây tiêu, trước đây, tôi không chăm sóc theo hướng hữu cơ nên chất lượng không đồng đều, giá thu mua thấp. Qua tập huấn kỹ thuật theo hướng hữu cơ, tôi áp dụng thấy quy trình dễ, chi phí thấp vì không phải mua phân hóa học mà chỉ dùng phân chuồng bón cho cây tiêu. Nhờ vậy, vườn tiêu chất lượng, năng suất và giá thu mua lại cao hơn” - ông Thành cho biết.

Vườn tiêu được chăm sóc theo hướng hữu cơ cho giá trị kinh tế cao của hộ ông Lê Hoàng Thành (bìa phải)

Vườn tiêu được chăm sóc theo hướng hữu cơ cho giá trị kinh tế cao của hộ ông Lê Hoàng Thành (bìa phải)

Gia đình ông Thành đã làm chuồng nuôi dê để lấy phân ủ bón cho cây trồng, đồng thời có thêm thu nhập từ bán dê thịt. Theo ông Thành, phân chuồng qua xử lý bón cho cây trồng giúp cây phát triển đồng đều, đất giữ ẩm tốt.

Còn gia đình chị Lê Thị Thanh Thúy cùng ở thôn 10 sau khi tìm hiểu nhiều mô hình từ trồng trọt đến chăn nuôi, chị quyết định khởi nghiệp từ trồng nấm bào ngư xám. Với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu đồng, chị đầu tư nhà trồng nấm. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay chị đã có 20 nhà trồng nấm bào ngư trên diện tích gần 2 ha cao su già cỗi của gia đình.

Chị Lê Thị Thanh Thúy giới thiệu về quy trình sản xuất nấm bào ngư sạch của gia đình

Chị Lê Thị Thanh Thúy giới thiệu về quy trình sản xuất nấm bào ngư sạch của gia đình

Công nhân chăm sóc phôi nấm bào ngư

Công nhân chăm sóc phôi nấm bào ngư

Dẫn chúng tôi tham quan nhà trồng nấm, chị Thúy chia sẻ: Trồng nấm bào ngư xám thì rất sạch, chỉ tưới phun sương bằng nước máy. Nấm bào ngư ưa mát, nếu lạnh và gió sẽ làm nấm bị xoăn. Trồng nấm bào ngư ngoài kỹ thuật, người trồng phải giữ uy tín, đảm bảo chất lượng mới “giữ chân” khách hàng.

XU HƯỚNG TẤT YẾU

Những niên vụ qua, vườn tiêu của gia đình ông Thành cho thu hoạch ổn định. Gần đây, thị trường tiêu thụ hồ tiêu chậm và sụt giá, nhưng gia đình ông và các thành viên Câu lạc bộ tiêu sạch Thiện Hưng vẫn duy trì phát triển hồ tiêu hữu cơ, vì lợi nhuận mang lại cao hơn cây trồng không áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP. Ông Thành cho biết: “Chúng tôi luôn áp dụng đúng quy trình sản xuất hữu cơ. Qua đánh giá chất lượng, các đơn vị giám định cho kết quả tốt và sản phẩm tiêu hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, khuyến cáo về các loại sâu bệnh hại trên cây tiêu kịp thời và đơn vị thu mua xem xét mức giá phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững”.

Mô hình chăn nuôi dê tăng thu nhập và tận dụng phân bón chăn nuôi cho cây hồ tiêu của gia đình ông Lê Hoàng Thành

Mô hình chăn nuôi dê tăng thu nhập và tận dụng phân bón chăn nuôi cho cây hồ tiêu của gia đình ông Lê Hoàng Thành

Còn sản phẩm nấm bào ngư của chị Thúy thì hiện nay tại các chợ nông thôn và khu vực lân cận nấm thương phẩm có giá bán lẻ từ 55-80 ngàn đồng/kg, nếu thương lái thu mua tại nhà có giá hơn 40 ngàn đồng/kg. Mỗi lần thu hoạch từ 100-500kg nấm cho từng đợt gieo, nhưng gia đình chị chỉ đủ nấm tiêu thụ trên địa bàn huyện Bù Đốp.

“Trại nấm bào ngư của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn làm trại, cung cấp phôi giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong khu vực nếu cần. Hiện nay, vì thiếu vốn nên gia đình không thể đầu tư sản xuất lớn cung ứng cho thị trường” - chị Thúy chia sẻ thêm.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nông dân lựa chọn cây - con giống phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng địa phương. Ngành sẽ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân để có kiến thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn cao hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ nông dân đẩy mạnh canh tác nông nghiệp xanh, sạch hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông TRẦN VĂN THÀNH, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp

Bù Đốp là huyện biên giới có tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 56%, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ huyện đề ra nghị quyết và chương trình hành động xác định rõ: “Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, nhằm tăng thu nhập cho người dân, để huyện nhà phát triển bền vững”. Hiện nay, toàn huyện có 720 ha canh tác nông nghiệp được người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng các quy trình sạch vào sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình phát triển nông nghiệp sạch, huyện Bù Đốp cũng mong các cấp, ngành liên quan thuận chủ trương về quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ xây dựng các mô hình và tạo điều kiện về cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, thúc đẩy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trên các huyện vùng biên của tỉnh Bình Phước.

Thanh Mảng - Quốc Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/144635/phat-trien-nong-nghiep-sach-o-vung-bien