Phát triển nông nghiệp sạch xóa nghèo cho người dân Ngân Sơn

Phát triển nông nghiệp sạch thông qua các HTX đã mang lại hiệu quả tích cực. Việc làm này giúp chính người dân, thành viên HTX nâng cao sức khỏe, thay đổi tư duy và nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Với đa dạng các mô hình giảm nghèo cùng với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của người dân, năm qua, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã có 356 hộ thoát nghèo, giảm 4%, đạt mục tiêu của huyện, của tỉnh đề ra. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo

Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân từ 2% - 2,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% - 5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Để thực hiện đạt kế hoạch, tỉnh đã lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với tổng nguồn vốn 215 tỷ đồng, dự kiến hơn 1.800 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi từ các chính sách này.

Tỉnh cũng xác định thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu tư trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch, tiềm năng của địa phương; xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; công khai, minh bạch các nguồn vốn, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt trồng cây dưa lưới đem lại thu nhập cao thành viên.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt trồng cây dưa lưới đem lại thu nhập cao thành viên.

Tại huyện Ngân Sơn, nơi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 gần 44% (cao thứ 2 tỉnh). Thời gian qua, huyện Ngân Sơn đã được triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo cho huyện nghèo, từ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đến các mô hình sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… Chỉ tính riêng năm 2024, huyện Ngân Sơn triển khai hàng trăm chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo, được triển khai trên địa bàn huyện như các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (nuôi gà, ngựa bạch sinh sản, trâu, bò sinh sản, trâu bò thịt, hỗ trợ các loại cây trồng), hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ về nhà ở, các chính sách tín dụng ưu đãi… đã tạo nguồn lực không nhỏ, giúp cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Với mục tiêu phấn đấu giảm từ 4% hộ nghèo trở lên năm 2025, UBND huyện cho biết năm nay tiếp tục thực hiện tốt các chính sách như: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo...

Có thể nói, quy trình sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ở Ngân Sơn đang dần thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc thiểu số sang sản xuất sạch. Để làm được điều này huyện đã xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn thực phẩm (theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ) thông qua HTX nhằm kiểm soát đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm. Việc làm này cũng giúp chính người dân, thành viên HTX nâng cao sức khỏe, thay đổi tư duy và nâng cao thu nhập.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tại HTX đào tiên Pác Ả (thị trấn Nà Phặc) nhờ đầu tư trồng đào và chế biến theo quy trình, bảo đảm an toàn thực phẩm, HTX đã đưa đào trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Chỉ tính riêng việc trồng đào tươi cũng giúp nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó còn chưa tính đến nguồn thu từ việc phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa đào và mùa thu hái quả đào.

Còn theo bà Bàn Thị Ngân, Giám đốc HTX Hợp Phát (xã Đức Vân), việc chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình thành công ở tỉnh Lạng Sơn đã giúp HTX thu được những hiệu quả khi trồng cây dẻ theo quy trình hữu cơ. Từ đây, các thành viên đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Với giá bán buôn tại vườn là khoảng 100.000 đồng/kg, cây dẻ đang giúp nhiều thành viên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, HTX Hợp Phát còn duy trì khoảng từ 4.000 - 5.000 con gà và 60 con trâu nên nguồn thu nhập của thành viên đa dạng, không bị phụ thuộc vào thị trường.

Mô hình trồng mới cây dẻ ván tại HTX Hợp Phát, xã Đức Vân.

Mô hình trồng mới cây dẻ ván tại HTX Hợp Phát, xã Đức Vân.

Cuối năm 2017, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt (xã Hiệp Lực) đầu tư xây dựng hơn 2.000m2 nhà kính trồng dưa lưới, dâu tây áp dụng công nghệ tưới, phun tự động. Nhờ áp dụng công nghệ khép kín này không chỉ giúp hạn chế đến 90% dịch bệnh mà còn tiết kiệm được 50% lượng nước tưới và chi phí nhân công lao động.

Sản phẩm dưa lưới của HTX đạt sản lượng 8 - 10 tấn quả/vụ, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Anh Nông Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt cho biết: Áp dụng công nghệ cao cho vườn dưa lưới, dâu tây có nhiều lợi ích cho người nông dân như tự động hóa được hệ thống tưới và đưa dinh dưỡng đến tận gốc cây trồng. Đồng thời, kiểm tra và phân luồng lượng nước, dinh dưỡng cho cây theo thời tiết nắng hay mưa phù hợp. Các sản phẩm của HTX giới thiệu, bán chủ yếu qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… đến nay sản phẩm của HTX sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Điều này không chỉ mang lại việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn mở ra những triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế phát triển bền vững tại địa phương”, anh Thành chia sẻ.

Thúc đẩy phát triển mô hình HTX

Đến nay, huyện Ngân Sơn gần 30 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của UBND huyện, nhìn chung các HTX hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động và hình thành sản phẩm mang tính cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, khi tham gia tổ hợp tác, HTX những hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển của tỉnh, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… Bên cạnh đó, các hộ dân còn được hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua việc tiếp cận với các chương trình, dự án... được tổ chức trên địa bàn.

Để tiếp tục giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả, huyện Ngân Sơn đang tích cực tháo gỡ khó khăn để các HTX cũ tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút thêm người dân tham gia thành lập các HTX, tổ hợp tác. Bởi đây sẽ là giải pháp khích lệ, động viên các hộ nông dân huyện Ngân Sơn tích cực lao động, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, từng bước hình thành nhiều mô hình điển hình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, một số HTX vẫn còn hoạt động trong phạm vi quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, trình độ năng lực quản lý và điều hành HTX, kinh nghiệm, kiến thức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh mang tính ổn định lâu dài.

Để các HTX hoạt động có hiệu quả, khai thác được thế mạnh, tiềm năng của địa phương, UBND huyện Ngân Sơn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền để các HTX hiểu rõ những chủ trương, cơ chế, chính sách để từ đó xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh liên doanh, liên kết gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/phat-trien-nong-nghiep-sach-xoa-ngheo-cho-nguoi-dan-ngan-son-1105924.html