Triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025 tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

So với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phải đạt 12% - Ảnh minh họa
Chỉ thị nêu rõ, ba tháng đầu năm 2025, tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Trong nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, kinh tế cả nước tiếp tục đà phục hồi và phát triển, các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại... duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2024 (so với cùng kỳ năm trước, trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 21,7%, đầu tư nước ngoài tăng 35,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 32,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,4%).
Mặc dù nền kinh tế đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phải đạt 12%, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ các tháng đầu năm chưa đạt mức kỳ vọng và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thị trường nước ngoài, các chính sách bảo hộ của các nước lớn trên thế giới.
Để phấn đấu đạt được mục tiêu Chính phủ giao về tăng trưởng thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong nước, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng tiếp tục tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp (đã nêu tại Chỉ thị số 05/CT-TTg, Công điện số 02/CĐ-TTg) đồng thời phấn đấu đạt mức tăng trưởng cụ thể:
Theo đó, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở mức 18%; Hải Phòng 18%; Hải Dương 18%; Hưng Yên 12%; Quảng Ninh 20%; TP. Hồ Chí Minh 18%; Đà Nẵng 18%...
Chỉ thị đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững, hiện đại, nâng cao sức mua của nền kinh tế và kích thích tiêu dùng nội địa, đặc biệt chú trọng ổn định chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Điểm nhấn là tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương, ngành hàng.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai đa dạng chương trình kích cầu: tổ chức hội chợ, triển lãm, Tuần hàng Việt tại nước ngoài, tăng cường các kênh phân phối hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất tới tiêu dùng.
Chỉ thị cũng nêu rõ: ưu tiên thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là hàng nông sản, đặc sản vùng miền, hàng hóa từ các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước sẽ được đẩy mạnh thông qua thương mại điện tử, logistics hiện đại, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng thị trường, gia tăng độ phủ thương hiệu hàng Việt.
Việc kết nối giữa nhà sản xuất và các hệ thống phân phối hiện đại được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm. Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ban ngành địa phương, các hiệp hội ngành hàng để triển khai đồng bộ.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng cường vai trò của truyền thông, báo chí, tạo sức lan tỏa cho các chương trình, chính sách kích cầu, đồng thời nâng cao nhận thức người tiêu dùng về sản phẩm nội địa. Các cơ quan truyền thông được đề nghị phối hợp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cổ vũ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, cải tiến chất lượng, xây dựng thương hiệu Việt trên nền tảng giá trị bền vững.
Trong 10 năm qua, quy mô bán lẻ hiện đại của Việt Nam tăng gấp 10 lần, từ 2,6 tỉ USD lên 26 tỷ USD. Tuy vậy, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 24% tổng thị phần, tỉ lệ này ở Singapore là 95%, Thái Lan là 65%, Malaysia gần 40%. So với các nước khác về mức độ thâm nhập thị trường, bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn bị đánh giá tụt hậu. Dấu hiệu tích cực là các nhà bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đổi mới, phát triển sản phẩm mới và tận dụng việc sử dụng thiết bị di động cao ở người tiêu dùng để đa dạng hóa cách bán hàng, tăng doanh thu.