Phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch cộng đồng
Hiện nay, nông nghiệp xanh gắn với du lịch cộng đồng là xu hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường và loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.

Các du khách nhí trải nghiệm chăm sóc dê tại Ba Tường Farm (phường Mũi Né)
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch có 2 nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”.
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở nhiều địa phương đang gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp - OCOP” với việc phát triển đa dạng sản phẩm... đã góp phần duy trì, phát triển và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục, tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.
Hiện nay, tại Lâm Đồng nhiều địa phương và nông dân đang đẩy mạnh khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị đặc sắc của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng phong phú, thu hút lượng lớn khách trong, ngoài nước đến tham quan, khám phá.
Có thể kể đến như Hợp tác xã chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp (Ba Tường Farm) ở phường Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng đã từng bước hình thành chuỗi nông nghiệp xanh, chăn nuôi con đặc sản vùng miền kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Với tổng diện tích sản xuất 10 ha, nông trại Ba Tường Farm đã tập trung chăn nuôi dông cát, bồ câu, gà rừng theo hướng nông nghiệp xanh kết hợp với thương mại thực phẩm sạch; du lịch trải nghiệm như du khách cùng lội ngược dòng nước suối mát lành, tự tay trồng rau, thu hoạch dâu tằm, chăm sóc vật nuôi, câu cá, bắt vịt, tham gia các trò chơi dân gian, cắm trại. Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn sân vườn, được chế biến bởi các thực phẩm sạch với nguyên liệu được nuôi trồng ngay tại khu sinh thái như gà rừng, bồ câu Pháp, heo ta, trùn quế, gà thả vườn, rau sạch, dừa xiêm… đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Hay như HTX Thanh long sạch Hòa Lệ ở xã Hàm Thuận, tỉnh Lâm Đồng chuyên được xem là điểm đến khó bỏ qua của các đoàn khách khi đi thực tế, trải nghiệm, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng với trái thanh long được sản xuất, chế biến khép kín với rất nhiều sản phẩm đa dạng như: Rượu vang thanh long, nước cốt thanh long trắng/đỏ lên men, rượu đế thanh long, kem thanh long, mứt thanh long, bông thanh long sấy...
Có thể thấy, mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch cộng đồng tại Lâm Đồng đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng không chỉ có ý nghĩa tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, mà còn góp phần duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đặc thù của mỗi địa phương.