Phát triển nuôi biển công nghệ cao
Để phát triển mạnh kinh tế biển theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh sẽ tập trung phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.
Đi đầu về nuôi biển công nghệ cao
Khánh Hòa là địa phương đi đầu, đứng đầu cả nước về phát triển nuôi biển công nghệ cao. Tiên phong phải kể đến Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam với 100% vốn FDI của Hoa Kỳ. Đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư 200 triệu USD để nuôi cá chẽm tại vùng biển vịnh Vân Phong. Đây là doanh nghiệp đứng đầu thế giới về nuôi cá chẽm theo công nghệ tiên tiến, với quy trình nuôi khép kín, sản lượng trung bình 10.000 tấn/năm. Sản phẩm “The Better Fish” của công ty được sản xuất tại Khánh Hòa rất được yêu thích và có mặt trong hơn 5.000 siêu thị, cửa hàng nổi tiếng ở thị trường Mỹ, các nước châu Âu, châu Á…
Ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chia sẻ: “Trong giai đoạn 2022 - 2032, công ty sẽ tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD để đẩy mạnh sản xuất tại các khu vực mặt biển trong vịnh Vân Phong và mở rộng sản xuất ra các khu vực biển khác trong tỉnh, phấn đấu đến năm 2032 đạt sản lượng cá thu hoạch 40.000 tấn/năm; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hiện đại tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy; kết hợp phát triển nuôi trồng thủy sản với du lịch. Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác để thành lập trung tâm đào tạo nuôi biển công nghệ cao; cung cấp con giống, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống hiện nay sang ứng dụng công nghệ hiện đại…”.
Ở vịnh Vân Phong còn có 2 đơn vị nuôi biển ứng dụng công nghệ cao khác đang đầu tư nuôi cá chim vây vàng rất hiệu quả. Trong đó, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đạt sản lượng 250-300 tấn cá thương phẩm/năm và Công ty Cổ phần Thủy sản Phương Minh đạt sản lượng 150 tấn/năm. Cùng với đó, một số doanh nghiệp khác đang mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển tại Khánh Hòa, như Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát đã nhiều lần đến Khánh Hòa khảo sát, làm việc với tỉnh để đầu tư dự án nuôi biển công nghệ cao kết hợp du lịch.
Nhiều chính sách khuyến khích phát triển
Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị có định hướng về phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã có các chính sách đặc thù về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển với nhiều ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động nuôi biển tại địa phương. Đây là động lực thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về nuôi biển đến Khánh Hòa đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn; từng bước giúp tỉnh hình thành các vùng nuôi xa bờ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển tại Khánh Hòa còn được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động, rủi ro thiên tai đối với thủy sản nuôi. Nhà đầu tư cũng thuận lợi khi thủ tục hành chính được đơn giản hóa, thời gian giao diện tích mặt biển, cấp phép nuôi trồng thủy sản được rút ngắn…
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh sẽ tập trung phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư nuôi biển quy mô lớn. Đối với các hộ dân, tỉnh sẽ có những chính sách hợp lý giúp người dân chuyển đổi dần lồng bè gỗ để thay thế bằng vật liệu HDPE, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm Phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa. Với đề án này, tỉnh sẽ phát triển nuôi biển hợp lý, hài hòa với các ngành kinh tế khác; xác định được những vùng nuôi phù hợp cho từng đối tượng nuôi chủ lực, như: Tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá mú... và mở rộng vùng nuôi mới. Cùng với đó, tỉnh cũng xác định cụ thể những vùng nuôi từ bờ trở ra 3 hải lý và vùng 6 hải lý; xác định cụ thể tiêu chí nuôi biển công nghệ cao, theo quy mô công nghiệp… Trên cơ sở thí điểm, tỉnh sẽ lựa chọn mô hình nuôi tối ưu phù hợp với từng khu vực để có chính sách thu hút đầu tư nhằm biến lợi thế, tiềm năng về phát triển nuôi biển trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế biển của địa phương.
HẢI LĂNG