Phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất sạch
Nghề nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển, nhưng việc đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, công nghệ, kỹ thuật nuôi và việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tôm nuôi có nguồn gốc truy xuất rõ ràng và các tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt cùng các quy định bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm còn nhiều hạn chế…. Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã xây dựng 'Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' và đề án đã được HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua. Để hiểu rõ hơn về các phần việc của đề án, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiêm Giám đốc Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nguyên nhân ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ tại từng địa phương, các lợi thế về thị trường… Mục tiêu của đề án nhằm tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng thu nhập cho người dân. Đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra. Phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm con tôm nước lợ. Cùng với đó, bằng nguồn lực của ngân sách sẽ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển các ngành nghề và dịch vụ phụ trợ (giống, thức ăn…) để tiến tới phát triển ngành công nghiệp nuôi tôm khép kín, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phóng viên: Mục tiêu của đề án đến năm 2025 sẽ đạt kết quả cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Hiện tại, theo kế hoạch hằng năm, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh hơn 50.000ha, nhưng trong mục tiêu đề án đến năm 2025 diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 57.000ha, sản lượng đạt 233.800 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì đạt 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, đề án sẽ xây dựng 45 mô hình nuôi tôm thí điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu 100% cơ sở nuôi, hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng nuôi chủ lực, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Có 100% hợp tác xã thủy sản, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành, định hướng tổ chức sản xuất tôm nước lợ. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 20 hợp tác xã để đạt các chứng nhận VietGAP. Xây dựng chuỗi liên kết từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm, trong đó có ít nhất 5 mối liên kết tại 5 tiểu vùng sản xuất được tổ chức ký kết về cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra…
Phóng viên: Xin đồng chí thông tin đề án sẽ triển khai thực hiện ở những địa phương nào, những phần việc cụ thể?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Đề án sẽ triển khai thực hiện tại 5 huyện, thị xã nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, gồm: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Theo đó, đề án sẽ thực hiện các phần việc là nâng cao năng lực và đào tạo cho các bên trong chuỗi ngành hàng, nhất là người nuôi tôm về kỹ thuật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và năng lực đối thoại. Xây dựng các mô hình chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, dịch bệnh và phù hợp từng tiểu vùng sinh thái, từng tiểu vùng sản xuất. Thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững từng tiểu vùng sản xuất về kiểm soát chất lượng con giống; kiểm soát dịch bệnh; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng liên kết chuỗi giá trị để có nguồn vật tư đầu vào chất lượng, giá thành hợp lý và sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, giúp người dân yên tâm sản xuất; kêu gọi đầu tư về sản xuất giống, nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, nhà máy xử lý chất thải. Tuyên truyền, truyền thông hình ảnh con tôm của Sóc Trăng và góp phần xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam trên trường quốc tế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
THÚY LIỄU (Thực hiện)