Phát triển ổn định vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn
Cùng chúng tôi khảo sát vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn tại xã Xuân Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh Lê Kim Du cho biết: Nhận thức rừng là nguồn tài nguyên quý, góp phần quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường... cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan, chủ rừng và người dân huyện Như Thanh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế, đầu tư vốn phát triển rừng gỗ lớn, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập cho các hộ làm nghề rừng.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Xuân Thái (Như Thanh).
Huyện Như Thanh phấn đấu đến năm 2025 trồng mới rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh với tổng diện tích hơn 8.000 ha. Đến tháng 12/2023 các xã, thị trấn, chủ rừng Nhà nước trên địa bàn đã trồng mới được 3.782,5 ha rừng gỗ lớn; chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn được 448,5 ha; khoanh nuôi, phục tráng 92,9 ha rừng lim xanh.
Để thực hiện mục tiêu nâng giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là trồng rừng gỗ lớn; đảm bảo cơ bản gỗ rừng trồng được chế biến sâu, góp phần tiêu thụ và tăng giá trị sản phẩm từ rừng, huyện Như Thanh đã và đang mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng; tuyên truyền để người dân trong vùng hiểu được ưu điểm nổi bật của cây nuôi cấy mô như phát triển nhanh, đều, sinh khối gỗ cao hơn, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp...; vận động chủ rừng đầu tư mở rộng diện tích trồng mới rừng và trồng lại sau khai thác bằng cây nuôi cấy mô. Huy động các nguồn lực lồng ghép để tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn. Kêu gọi một số doanh nghiệp làm việc với các chủ rừng trên địa bàn để liên kết đầu tư từ khâu áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng theo hướng thâm canh; chọn cây giống cho năng suất cao, chất lượng gỗ tốt; khai thác đúng quy trình kỹ thuật... thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững, để sớm được Tổ chức Quản lý rừng bền vững Quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Sau khi được cấp chứng chỉ giá trị gỗ được nâng lên, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa Nguyễn Đình Thái cho biết: Đến tháng 12/2023 Thanh Hóa đã có 56.000 ha rừng trồng gỗ lớn. Các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, trẩu, xoan ta, lim xanh, lát hoa... đã và đang được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt. Hàng chục mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Lang Chánh, Thường Xuân... cho hiệu quả kinh tế khá cao. Nhiều hộ dân khu vực miền núi đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại trồng rừng gỗ lớn và bảo vệ rừng kết hợp cây ngắn ngày cho thu nhập khá cao. Hàng năm, diện tích rừng trồng gỗ lớn đến kỳ cho khai thác theo quy định sẽ được chủ rừng trồng bổ sung diện tích rừng gỗ lớn mới nhằm bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn quy mô khoảng 56.000 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản; tuyên truyền, vận động Nhân dân huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển rừng gỗ lớn. Triển khai thực hiện các mô hình kinh doanh rừng bền vững hỗn giao giữa cây gỗ lớn với các cây chu kỳ kinh doanh ngắn để đảm bảo thu nhập trước mắt. Các năm gần đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các địa phương và các chủ rừng tăng cường quản lý, sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trong trồng rừng gỗ lớn (cây nuôi cấy mô) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng gỗ lớn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.