Phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao

Ngày 29/2, UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung TP Phú Quốc đến năm 2040.

Phú Quốc sẽ trở thành đô thị biển đảo đặc sắc

Quy hoạch xác định phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao; trung tâm thương mại, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị-văn hóa. Thành phố sẽ có không gian sống chất lượng và gắn bó người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phú Quốc được xác định là đô thị biển-đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt; trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển-đảo tổng hợp, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng của quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 cho lãnh đạo thành phố Phú Quốc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 cho lãnh đạo thành phố Phú Quốc.

Cùng với đó, Phú Quốc còn là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực. Phú Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng của quốc gia. Đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 400.000; đến năm 2040, khoảng 680.000 người...

Thành phố Phú Quốc phát triển theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị tập trung bao gồm: Trung tâm đô thị-du lịch chính tại khu vực phường Dương Đông, An Thới và các trung tâm mới tại Cửa Cạn, Bãi Trường. Chuỗi đô thị-du lịch với mật độ thấp theo trục chính Bắc-Nam An Thới...

Trụ sở hành chính, cơ quan cấp thành phố sẽ được xây dựng mới tại khu vực hai bên đường Cách mạng Tháng 8 (cuối khu vực sân bay cũ) thuộc phường Dương Đông (khoảng 16 ha). Trụ sở hành chính, cơ quan cấp phường sẽ bố trí theo quy hoạch phân khu; có thể nghiên cứu bổ sung theo nhu cầu phát triển của đô thị.

Đáng chú ý, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được định hướng nâng cấp, cải tạo đến năm 2030 đạt công suất 10 triệu hành khách/năm; sau năm 2030 công suất 18 triệu hành khách/năm. Cảng biển bao gồm các khu bến Phú Quốc có thể đón tàu tổng hợp đến 30.000 tấn.

Về công trình văn hóa - thể thao, giải trí, sẽ đầu tư sân golf (khu bãi Ông Lớn - Cửa Cạn, khu bãi Khem - mũi Ông Đội, khu ven biển phía Tây); trường đua ngựa (xã Dương Tơ); casino, thể thao trên biển... Bên cạnh đó là đầu tư thêm bệnh viện, trường học...

Hướng tới mục tiêu phát triển Phú Quốc bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thành phố Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Kiên Giang và khu vực Tây Nam Bộ và cả nước; là khu kinh tế - hành chính đặc biệt mang tính động lực của tỉnh Kiên Giang; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và quốc tế; trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển cấp quốc gia và khu vực và là khu vực có vị trí đặc biệt về quốc phòng và an ninh.

Phú Quốc mang những giá trị lịch sử của dân tộc, vừa có nhiều tiềm năng, lợi thế rất quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Việc xây dựng và phát triển Thành phố Phú Quốc là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng đã được xác định từ rất sớm theo Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg năm 2004 và tiếp tục được khẳng định lại tại Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, để thực hiện và phát huy hiệu quả Quy hoạch chung Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cần tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù huy động và sử dụng nguồn lực tài chính phù hợp nhất để đầu tư phát triển thành phố Phú Quốc bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, quan trọng nhất là triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc để Phú Quốc phát triển bền vững là nhằm mục tiêu để đời sống, thu nhập của nhân dân Phú Quốc phải tốt hơn trước đây; người dân Phú Quốc phải được thụ hưởng trong quá trình phát triển Phú Quốc; tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc phải quan tâm đảm bảo hài hòa chia sẻ lợi ích giữa nhà nước – người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc trong quá trình thực hiện Quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040 để hiện thực hóa Đồ án Quy hoạch và cùng hướng tới mục tiêu phát triển Phú Quốc bền vững, đóng góp tích cực cho phát triển của tỉnh, của Vùng và cả nước.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-trien-phu-quoc-thanh-trung-tam-dich-vu-du-lich-nghi-duong-chat-luong-cao-20240229164527066.htm