Phát triển rau màu theo hướng hàng hóa

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, những năm gần đây, phát huy lợi thế của địa phương cùng với chủ trương khuyến khích dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, các hộ dân trồng rau màu ở huyện Thanh Ba chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp họ có cuộc sống khá giả hơn.

Gia đình nhà anh chị Xuân ở xã Hoàng Cương trồng 1.500m2 rau cho thu hoạch hàng chục triệu đồng/năm

Những luống rau cải ngọt, cải ngồng, cà chua, đỗ cove đang tiếp tục cho ra những vụ mới làm cho mảnh vườn 1.500m2 trước cửa của nhà anh Trần Văn Xuân ở khu 2 xã Hoàng Cương huyện Thanh Ba phủ một màu xanh mướt. Chị vợ anh Xuân vừa nhổ rau cải vừa chia sẻ: “Trồng rau ăn lá phải chăm chút che chắn từng tí một, nếu gặp trời mưa thì rau nát, trời nắng quá thì rau héo, già. Nhưng nhờ những luống rau này đã thêm thắt vào cuộc sống cho gia đình tôi khá hơn”.

Không chỉ riêng nhà anh Xuân mà hầu như các hộ trong xã nhà nào cũng có mảnh vườn kha khá để trồng rau. Rau ở Hoàng Cương đã được trồng từ rất lâu, theo như lời chị vợ anh Xuân thì nhà chị trồng rau từ thời ông bà, bố mẹ và giờ đến chị. Với kinh nghiệm đúc kết từ nhiều năm, người dân trong xã trồng thâm canh, xen canh, tăng vụ với nhiều loại rau mùa nào thức ấy. Để không bị thiệt hại về mùa mưa, gia đình anh Xuân đã áp dụng các biện pháp chăm sóc rau màu như tăng cường bón các loại phân giàu chất dinh dưỡng, độ ẩm cao để rau nhanh phát triển, không bị hư hỏng.

Hoàng Cương, Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Thanh Hà là vùng trọng điểm trồng rau xanh của huyện Thanh Ba, vụ trồng rau xanh năm 2022 các xã này có khoảng 80ha chuyên sản xuất các loại cây rau màu như: Cải canh, cải ngọt, cà chua, bắp cải, rau muống, đỗ và các cây rau màu có giá trị kinh tế... Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, thực hiện Nghị quyết 04 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, huyện Thanh Ba đã hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất rau sạch nhà lưới ở xã Hoàng Cương và Đỗ Xuyên. Trong đó xã Đỗ Xuyên liên kết sản xuất với Công ty TNHH GOC xây dựng 10.000m2 nhà lưới phát triển mô hình trồng rau, củ quả với tổng kinh phí một tỷ đồng.

HTX Hoa Sen xã Lương Lỗ trồng thí điểm 4ha măng tây và bí lấy nụ ban đầu, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha.

Phát huy lợi thế của địa phương cùng với chủ trương khuyến khích dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, xã Lương Lỗ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Anh Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc HTX Hoa Sen Lương Lỗ cho biết: “Chúng tôi vận động các thành viên góp đất, vốn chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng măng tây và bí lấy nụ cho thu nhập nhiều hơn với cây trồng khác”.

Vụ Đông cũng là vụ sản xuất chính trong năm, theo kế hoạch vụ Đông năm nay, huyện Thanh Ba phấn đấu gieo trồng trên 1.350 ha; trong đó 800 ha cây ngô, 80 ha khoai lang, 500 ha rau các loại. Đến nay bà con nông dân đã trồng được khoảng 830 ha cây vụ đông, chủ yếu là ngô và rau màu. Để nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế, UBND huyện Thanh Ba chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác…. Huyện chỉ đạo đẩy mạnh và khuyến khích dồn thửa đổi ruộng nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/phat-trien-rau-mau-theo-huong-hang-hoa/188428.htm