Phát triển rừng bằng trồng cây đa mục tiêu
Hiện nay, tỉnh Sơn La có hơn 641.140 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 46,3%. Với mục tiêu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50% vào năm 2025, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, phát triển rừng bằng trồng cây đa mục tiêu, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế, thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện và ban hành danh mục giống cây trồng lâm nghiệp khuyến khích đầu tư trồng theo các chương trình, dự án; phê duyệt giá giống cây trồng phục vụ cho các chương trình, dự án trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh; hướng dẫn các huyện, thành phố, các chủ đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng rừng sang phát triển các loài cây đa mục tiêu.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về đất rừng từng khu vực, tỉnh đã có định hướng chỉ đạo phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phù hợp với từng địa phương. Trong đó, ưu tiên phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cây lâm nghiệp đa mục tiêu, cây lâm sản ngoài gỗ để phát triển chuỗi giá trị lâm sản đặc thù của các địa phương, gắn với sử dụng hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư trở lại cho công tác phát triển rừng. Trong đó, xác định rõ một số loài cây lâm nghiệp đa mục tiêu có điều kiện phát huy hiệu quả kinh tế như sơn tra, mắc ca, măng bát độ.
Cây mắc ca được khảo nghiệm và phát triển trồng trên địa bàn tỉnh từ năm 2003. Qua đánh giá, cây mắc ca chịu được hạn, sương muối, trồng được trên đất bạc màu, ít sâu bệnh, có khả năng che tán cho nhiều loại cây, như chè, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày và cho sản lượng quả tương đối cao, phù hợp với các tiêu chí phát triển thành cây lâm nghiệp đa mục tiêu. Sau khi rà soát quy hoạch 3 loại rừng, chỉnh lý hồ sơ giao đất lâm nghiệp; tỉnh đã tổ chức thu hồi đất rừng sản xuất của các chủ rừng là cộng đồng sử dụng kém hiệu quả giao lại cho UBND cấp huyện quản lý, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển KT-XH. Hiện, đã cấp chủ trương thực hiện dự án đầu tư phát triển mắc ca cho Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mường Và, HTX Mường Giôn, Công ty cổ phần mắc ca Liên Việt Sơn La, tổng quy mô thực hiện gần 3.200 ha, trong đó đã trồng gần 224 ha.
Ông Dương Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, chia sẻ: Thực hiện dự án, Công ty đã triển khai trồng được gần 63/161 ha cây mắc ca tại huyện Quỳnh Nhai. Đồng thời, liên kết sản xuất, bao tiêu mắc ca cho một số hộ, HTX trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Công ty đang xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu giống đến thực hiện trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con tham gia chuỗi liên kết, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu và nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ mắc ca.
Cây măng bát độ được huyện Vân Hồ đưa vào quy hoạch phát triển cây lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 xuất phát từ Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi măng sạch huyện Vân Hồ” thuộc Chương trình GREAT của Chính phủ Úc tài trợ. Dự án đã thành lập 9 tổ hợp tác và 2 HTX, là HTX măng sạch Xuân Nha và HTX măng 269 Tân Xuân. Các HTX, tổ hợp tác được thành lập đã liên kết thu mua măng khai thác từ rừng tự nhiên và trồng mới măng bát độ phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Mô hình bước đầu đã tạo thêm sinh kế, việc làm cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã hưởng lợi nói riêng và là cơ sở để huyện định hướng phát triển lâm nghiệp từ khai thác măng rừng tự nhiên và trồng măng bát độ phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện nói chung. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện sẽ trồng mới 1.000 ha măng bát độ, hiện đã triển khai trồng mở rộng ở các xã Tân Xuân, Xuân Nha.
Bà Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX măng sạch Xuân Nha, bản Tưn, xã Xuân Nha, chia sẻ: Hướng đến mục tiêu sản xuất măng hàng hóa, ngoài khai thác măng rừng tự nhiên, từ năm 2021 đến nay, HTX đã vận động các thành viên trồng mới 150 ha măng bát độ xuất khẩu. HTX đang tiếp tục nhân giống, cung cấp cho các hộ thành viên và nhân dân tiếp tục trồng mới măng bát độ trong năm 2022.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, các địa phương đã lựa chọn các cây trồng rừng phù hợp, ngoài lợi ích về môi trường còn tạo sinh kế cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 14.000 ha cây sơn tra, gần 700 ha cây mắc ca, 150 ha măng bát độ trồng mới và các loại cây dược liệu khác dưới tán rừng được khai thác, đem lại thu nhập cho các chủ rừng. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, từng bước đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn sao cho các sản phẩm lâm sản. Tiêu biểu là sản phẩm măng hốc muối chua của HTX măng sạch Xuân Nha đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; sơn tra được chế biến thành nước siro, rượu vang Sơn Tra, hoặc sơ chế phơi khô, đóng gói để bảo quản được lâu.
Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh trồng mới khoảng 5.000 ha măng bát độ, 10.000 ha mắc ca và khoảng 7.800 ha sơn tra. Để phát triển mô hình lâm nghiệp bền vững, tỉnh đã huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; mở rộng các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông dân - tổ hợp tác - HTX - doanh nghiệp xuất khẩu. Qua đó, hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản hàng hóa quy mô tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.