Phát triển rừng ven biển tại Sông Cầu

Các chuyên gia người Đức của Công ty UNIQUE cùng lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu tìm hiểu hệ sinh thái rừng phòng hộ tại thị xã để triển khai dự án. Ảnh: NHẬT HUY

Viện TN-MT (Đại học Huế), Công ty UNIQUE (Cộng hòa Liên bang Đức) vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu khảo sát việc thực hiện dự án Trồng rừng trên vùng đất cát ở miền Trung Việt Nam (TFA).

Mục tiêu ban đầu của dự án nói trên là trồng khoảng 100ha tại khu vực rừng phòng hộ ven biển TX Sông Cầu, sau đó nhân rộng ra khắp các tỉnh miền Trung của Việt Nam.

Giảm thiểu biến đổi khí hậu

Theo ông Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện TN-MT (Đại học Huế), TX Sông Cầu và tỉnh Phú Yên có vị trí quan trọng trong mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu mà dự án đang theo đuổi. “Mục tiêu của TFA là giảm thiểu hiệu quả tính dễ bị tổn thương của cộng đồng địa phương và tăng cường sinh kế thông qua các mô hình bền vững cho các rừng cồn cát được phục hồi”, ông Hoàng cho biết.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng cây bản địa vào các cánh rừng ven biển giúp tăng khả năng cố định cát, chắn gió; cải thiện điều kiện đa dạng sinh học thông qua phục hồi các hệ sinh thái ven biển bị suy thoái. Các loài cây phù hợp với địa phương được sử dụng để triển khai dự án có thể góp phần đáng kể vào bảo tồn hệ sinh thái và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên dọc ven biển.

Các loài cây bản địa mà dự án ưu tiên trồng tại địa phương gồm chai lá cong (loài cây đặc hữu đang cần được bảo tồn) và cây tràm gió. Tiến độ trong năm 2022 sẽ trồng 5.000 cây, số còn lại được trồng trong năm 2023. Kinh phí thực hiện dự án được Công ty UNIQUE cam kết hỗ trợ là 240.000 USD. Ngoài ra, dự án còn có nguồn vốn từ nhiều hợp phần và nhà tài trợ khác.

“Chúng tôi tập trung triển khai dự án tại TX Sông Cầu, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm hướng tới thực hiện dự án tại các tỉnh miền Trung. Vậy nên chúng tôi có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ và hướng đến những mục tiêu, tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển. Dự án hỗ trợ phát triển bền vững các khu vực nông thôn bằng cách bảo vệ và cải thiện rõ rệt các điều kiện cho nông nghiệp tự cung tự cấp địa phương thông qua bảo vệ cồn cát thiết yếu để lọc và lưu trữ nước. Các biện pháp kết hợp này giúp đạt được chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu bảo vệ khí hậu”, ông Hoàng cho biết thêm.

Phát triển hệ sinh thái rừng ven biển Sông Cầu

Theo ông Phạm Chí Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, rừng ngập mặn được ví như lá phổi xanh cho hệ sinh thái đầm, vịnh nói riêng và hệ sinh thái rừng ven biển nói chung, tạo thành khối giá trị liên kết bền vững cho việc thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra các giá trị kinh tế từ du lịch, nguồn lợi thủy sản, môi trường để phát triển các loài thủy, hải sản... “Không chỉ rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn cũng góp phần rất lớn vào ứng phó thiên tai, từ xói lở bờ biển, xói lở bờ sông, tái tạo môi trường thủy sinh. Những vấn đề này đã được khoa học chứng minh”, ông Toàn cho biết.

Nếu được UBND tỉnh tiếp nhận dự án, Viện TN-MT cùng Công ty UNIQUE sẽ phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu tiến hành trồng 12.000 cây trên địa bàn thị xã này.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu cho biết: “Chúng tôi được Sở NN-PTNT tỉnh giao nhiệm vụ khôi phục và phát triển hệ sinh thái theo đề án 15 triệu cây xanh của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Dự án TFA được thực hiện tại TX Sông Cầu sẽ là điều rất thuận lợi để triển khai mục tiêu trên”. Theo ông Thịnh, việc phát triển rừng phòng hộ ven biển trong khuôn khổ dự án theo hướng đa mục tiêu vừa phát triển hệ sinh thái vừa hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ngoài việc trồng rừng phòng hộ ven biển, dự án TFA còn mở rộng không gian, địa điểm trồng cây tại khuôn viên trường học, nhà máy, đường giao thông để tạo cảnh quan xây dựng nông thôn mới…

Theo kế hoạch triển khai đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Phú Yên sẽ bảo vệ và sử dụng hiệu quả khoảng 11.650ha rừng vùng ven biển hiện có. Riêng tại TX Sông Cầu, rừng phòng hộ ven biển có diện tích lớn nhất với khoảng 8.000ha.

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276941/phat-trien-rung-ven-bien-tai-song-cau.html