Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng xanh, bền vững

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được thực hiện với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn trên cơ sở khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Chương trình này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bình Dương thời gian qua. OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương tham gia trưng bày tại Hội chợ thương mại, trưng bày và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp huyện Phú Giáo năm 2024

Theo Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng NTM của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Chương trình đã và đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Nhờ bám sát mục tiêu chương trình OCOP, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 219 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 12 sản phẩm 4 sao và 207 sản phẩm 3 sao của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.

Điểm đáng chú ý là nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. Đơn cử như sản phẩm tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo) đều đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hay Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ ở huyện Bắc Tân Uyên cũng có sản phẩm bưởi da xanh OCOP 4 sao được công nhận.

Gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản

Theo ông Văng Phước Hậu, chương trình phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương.

Qua đó, chương trình thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển xanh, bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên

Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 3 sao phấn đấu nâng hạng lên 4 sao, chương trình OCOP của tỉnh cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại qua các hội chợ triển lãm, hoạt động du lịch, đưa sản phẩm OCOP vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng NTM của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa như các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương để sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP, góp phần lan tỏa thương hiệu riêng cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm. Điểm đáng chú ý là nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.

Thoại Phương - Hải Dương

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-san-pham-ocop-theo-huong-xanh-ben-vung-a335334.html