Phát triển sản phẩm OCOP tương xứng tiềm năng
ĐBP - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Sau 2 năm triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã có kết quả tích cực, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm mật ong của HTX Ong mật Ðiện Biên được giới thiệu tại Siêu thị Aeon, quận Long Biên, Hà Nội.
Phát huy tiềm năng
Toàn tỉnh hiện có trên 360.000ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 38,39% tổng diện tích tự nhiên); với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng. Cụ thể TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây ăn quả và rau màu; huyện Tủa Chùa, Mường Ảng có thế mạnh phát triển cây công nghiệp (cà phê, chè); huyện Mường Nhé, Nậm Pồ có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc... Nhằm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng sạch, an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn thực hiện 17 danh mục dự án hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa, từng bước phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho mỗi địa phương.
Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ðể phát huy những tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia và cán bộ quản lý thực hiện chương trình. Ngành Nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất; hỗ trợ các chủ thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn. “Trợ lực” cho các địa phương, chủ thể tham gia Chương trình OCOP, hàng năm tỉnh đều phân bổ kinh phí với mục tiêu khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo chuỗi giá trị bền vững. Năm 2020 tỉnh đã phân bổ 7,5 tỷ đồng để các địa phương thực hiện Chương trình OCOP. Ðồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các thị trường: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ðà Lạt, TP. Hồ Chí Minh. Ðối với các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được hỗ trợ xúc tiến thương mại từ cấp quốc gia đến quốc tế. Trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá các thông tin, chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nông sản lợi thế của các địa phương trong tỉnh trở thành hàng hóa, có chỗ đứng trên thị trường.
Khi nông sản có thương hiệu
Anh Nguyễn Tiến Ðạt, Giám đốc HTX Ong mật Ðiện Biên chia sẻ: Trước đây, chúng tôi sản xuất và bán sản phẩm theo phương thức truyền thống, chủ yếu là sản phẩm thô, doanh thu thấp. Từ khi tham gia Chương trình OCOP và được xếp hạng 4 sao, sản phẩm mật ong của HTX được nhiều người biết đến. Sản phẩm có cơ hội được quảng bá, giới thiệu ở nhiều thị trường lớn nên sức tiêu thụ tốt hơn. Gần đây nhất là trung tuần tháng 9 vừa qua, 2 sản phẩm “mật ong Hoa Ban” và “mật ong bánh tổ” của HTX được Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) giới thiệu tại Phiên chợ “Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020” ở Siêu thị Big C Hải Phòng (TP. Hải Phòng).
Là đặc sản của vùng núi đá Tủa Chùa, song sản phẩm Diệp Thanh trà - trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên chỉ thực sự được người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước biết đến khi tham gia Chương trình OCOP vào năm 2019. Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cho biết: “Nếu như trước đây doanh thu của Công ty chỉ đạt gần 1 tỷ đồng/năm, thì sau khi tham gia Chương trình OCOP, được sản xuất theo quy trình khép kín, sản phẩm đạt chuẩn 3 sao được quảng bá rộng rãi ở các thị trường lớn với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh thì doanh thu của Công ty tăng lên gần 2 tỷ đồng/năm”.
Không chỉ sản phẩm mật ong của HTX Ong mật Ðiện Biên hay sản phẩm Diệp Thanh trà của Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên tăng doanh thu, có cơ hội vươn ra nhiều thị trường lớn mà những sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, như: Rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo khô (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ); gạo tám thơm Thiên Bản (Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green)… đều tăng sản lượng tiêu thụ, doanh thu.
Hiện nay toàn tỉnh có 30 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP với nhiều chủng loại; dự kiến sẽ được tổ chức đánh giá, chứng nhận sản phẩm vào tháng 11 tới. Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP là quá trình yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, tiêu chuẩn từ quá trình sản xuất, chế biến, lập hồ sơ chứng nhận, quảng bá… Trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho tỉnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cán bộ tư vấn và chủ thể tham gia chương trình OCOP; huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ. Ðồng thời đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để sản phẩm OCOP được giới thiệu rộng khắp tại các thị trường ngoài tỉnh.