Phát triển sản phẩm OCOP xã vùng sâu
Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) hỗ trợ hộ kinh doanh, hợp tác xã phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương.
Để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, xã Vĩnh Thành tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các ngành chuyên môn huyện Châu Thành tập huấn cho cơ sở sản xuất về phương pháp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất; kỹ năng bán hàng, quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm…
Khi chương trình OCOP được triển khai, xã Vĩnh Thành có 1 sản phẩm được hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Đó là nước mắm chay Cô Nành của hộ kinh doanh Võ Thị Yến Phương (ấp Trung Thành). Gia đình bà Võ Thị Yến Phương được biết đến là cơ sở làm tàu hủ ky uy tín tại địa phương, trên 20 năm kinh nghiệm. Nước mắm chay chế biến hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản, tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Bà Phương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm tàu hủ ky. Dịch bệnh COVID-19 khiến mọi việc ngưng trệ. Nguyên liệu đậu nành lỡ nhập về nhiều, nên chúng tôi chuyển sang ủ nước mắm chay. Lúc đầu, sản phẩm chỉ để cả nhà ăn, dần dần bán cho bà con địa phương. Tôi lắng nghe mọi người góp ý, điều chỉnh đến khi sản phẩm hoàn thiện nhất”.
Nguyên liệu 100% từ đậu nành, nên chất lượng đậu nành sẽ quyết định chất lượng nước mắm làm ra. Đậu nành được bà chọn lọc cẩn thận: Hạt to, sạch. Sau khi ủ theo phương pháp gia truyền, từ 9 đến 12 tháng cho ra nước mắm ngon nhất. Chỉ mới có mặt trên thị trường hơn 2 năm nay, nhưng nước mắm chay Cô Nành được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực. Khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm càng được biết đến, tin dùng hơn. Hiện tại, sản phẩm có mặt tại khắp các tỉnh, thành phố ĐBSCL, miền Trung… sản lượng xuất bán hàng tháng tăng cao hơn trước (trung bình 1.000 lít).
“Tham gia chương trình OCOP, tôi được hướng dẫn mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần tăng giá trị và uy tín của sản phẩm. Ngoài ra, được các ngành chức năng hỗ trợ tham gia hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới sản phẩm nước mắm chay Cô Nành hơn nữa, dần hướng tới việc có mặt tại siêu thị, nâng tầm chất lượng, đưa thương hiệu quê hương vươn xa. Đồng thời, gia đình tôi sẽ làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP đối với tàu hủ ky” - bà Phương chia sẻ thêm.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Đoàn Đức Dịnh cho biết, thời gian tới, xã Vĩnh Thành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để hộ kinh doanh Võ Thị Yến Phương phát triển sản phẩm OCOP nước mắm chay Cô Nành; hỗ trợ thủ tục, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP đối với tàu hủ ky.
Đồng thời, phối hợp ngành chuyên môn huyện triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng sản phẩm OCOP tại địa phương. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-san-pham-ocop-xa-vung-sau-a363266.html