Phát triển sản phẩm trà cà gai leo
Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình) của các thanh niên trẻ xã Thượng Lâm, hoạt động ở các loại hình dịch vụ: Thu mua nông sản của nông dân địa phương, trồng rau, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, dịch vụ homestay; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ lữ hành du lịch nội địa, vận tải đường thủy nội địa. Hiện nay, các thành viên trong HTX đang triển khai phát triển cây cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc đưa ra thị trường.
Anh Vi Văn Toàn, kỹ sư nông nghiệp, thành viên HTX Thanh niên Thượng Lâm cho biết, cây cà gai leo là một loại dược liệu quý với nhiều công dụng hỗ trợ các bệnh về gan, cây khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh và phát triển quanh năm. Cây được trồng ở nơi cao ráo không úng nước, không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà chỉ cần chăm bón bằng phân chuồng hoai mục. Sau 3-4 tháng trồng có thể thu hoạch. Chu kỳ lưu gốc kéo dài trong vòng 3 năm.
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại Lâm Bình phù hợp với việc phát triển cây cà gai leo, HTX đã đưa vào trồng thử nghiệm để sản xuất trà túi lọc. Mục đích ban đầu sản xuất chỉ phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại homestay của HTX. Nhưng nhận được phản hồi tích cực từ du khách, vì thế, các thành viên trong HTX đã tập trung mở rộng diện tích trồng, tìm kiếm thị trường phát triển sản phẩm trà cà gai leo.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất trà cà gai leo, HTX Thanh niên Thượng Lâm đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các hộ gia đình trồng cà gai leo trong và ngoài xã với tổng diện tích hơn 6 ha. Các hộ gia đình sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây đạt hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, HTX còn cung cấp giống cây cà gai leo cho các hộ gia đình. Theo tính toán, nếu được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, 1 ha cà gai leo mỗi năm sẽ cho thu hoạch khoảng 8 tấn sản phẩm, với giá bán dao động từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg thì người nông dân sẽ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/1 ha/năm.
Sau khi thu mua sản phẩm của người dân, trải qua các bước sơ chế: băm nhỏ, rửa sạch, sao khô, cà gai leo được mang đi nghiền nhỏ. Với đặc tính thân nhiều gai, việc nghiền nhỏ cà gai leo sẽ giúp người thưởng thức không cảm thấy sạn, hương trà khi được sao khô sẽ thơm ngon hơn.
Anh Hoàng Văn Minh, Giám đốc HTX Thanh niên Thượng Lâm chia sẻ, với mong muốn đem đến người tiêu dùng sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh, HTX tập trung đầu tư máy móc để sản xuất trà theo quy trình khép kín. Đây cũng là chiếc máy đóng trà túi lọc đầu tiên ở huyện Lâm Bình.
Hướng đi của các chàng trai tại HTX Thanh niên Thượng Lâm đã thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đang tìm kiếm con đường khởi nghiệp đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Theo chia sẻ của anh Chẩu Văn Đệ, thành viên HTX Thanh niên Thượng Lâm, HTX đang hoàn thiện các bước về kiểm định, đăng ký thương hiệu, mua thêm các loại máy móc phục vụ quy trình sản xuất để kịp thời trả đơn đặt hàng 1.000 hộp trà của UBND huyện Lâm Bình và phân phối sản phẩm ra ngoài thị trường.