Phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

ĐBP - Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Tủa Chùa tổ chức triển khai 3 mô hình giống lúa thuần ADI 168 và HANA 112 trên địa bàn 2 xã: Xá Nhè, Mường Ðun và thị trấn Tủa Chùa, với tổng diện tích 39ha, có 351 hộ dân tham gia. Ðây là những giống lúa thuần vượt trội về khả năng kháng chịu điều kiện thời tiết, sâu bệnh; thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất chất lượng cao hơn nhiều so với các giống lúa địa phương.

Người dân thôn Bản Phô (xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa) chuyển đổi từ các giống cây trồng truyền thống trên nương sang trồng cây ăn quả.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Năm 2021, huyện Tủa Chùa có kế hoạch xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo tập trung, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các vùng chuyên canh lúa được xác định tại: Mường Báng, Mường Ðun, Xá Nhè, Sính Phình và thị trấn Tủa Chùa. Việc triển khai các mô hình sản xuất điểm các giống lúa mới là bước đệm quan trọng để nông dân trên địa bàn từng bước chuyển đổi từ các giống lúa địa phương sang giống lúa có năng suất, chất lượng cao hơn. Ðồng thời, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, sẵn sàng tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất lúa gạo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, huyện Tủa Chùa cũng đang xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền người dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án trồng mắc ca trên những diện tích nương luân canh, bạc màu; tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.

Xã Tả Sìn Thàng có diện tích sản xuất lúa nước rất ít, người dân chủ yếu trồng ngô và lúa nương. Năm 2020, huyện Tủa Chùa xây dựng thành công sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao. Ðây là sản phẩm đặc trưng của người dân các xã phía Bắc của huyện. Hiện nay sản phẩm khoai sọ được hợp tác xã sản xuất nông nghiệp H’Mông liên kết và bao tiêu sản phẩm. Nắm bắt lợi thế đó, cấp ủy, chính quyền xã Tả Sìn Thàng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô, lúa nương sang trồng khoai sọ tím, tạo vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP.

Ông Thào A Chu, Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết: Năm 2021, xã xây dựng kế hoạch triển khai 2 - 3 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, từ trồng ngô, lúa nương sang trồng khoai sọ tím. Quá trình sản xuất sẽ liên kết với Hợp tác xã H’Mông để được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và nhất là khâu bao tiêu sản phẩm. Vì đây là loại cây trồng đặc trưng của người dân nên phần nào người dân cũng đã hiểu và có kinh nghiệm trong sản xuất. Chỉ khác là trước đây trồng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu gia đình thì nay trồng tập trung, tạo thành hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm.

Cũng như Tủa Chùa, các huyện khác cũng tích cực triển khai các giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Ðặc biệt là 100% các mô hình đều có sự liên kết của 3 thành phần: Người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Ðơn cử như huyện Tuần Giáo, hiện nay, toàn huyện đã trồng thành công 1.400ha mắc ca, trong đó có khoảng 50ha đã cho quả bói do Công ty Cổ phần Ðầu tư và phát triển Mắc ca Tây Bắc đầu tư, liên kết với người dân. Hiện nay Công ty đang có kế hoạch mở rộng diện tích mắc ca tại Tuần Giáo thêm 2.000ha. Bên cạnh đó, huyện Tuần Giáo vẫn tiếp tục thu hút đầu tư các dự án trồng, chế biến mắc ca trên địa bàn. Mới đây, huyện đã thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng, chế biến mắc ca, cây dược liệu kết hợp khu du lịch trang trại, du lịch trải nghiệm. Dự án do Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Ðiện Biên làm chủ đầu tư với quy mô 12.121ha theo hướng thâm canh, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến. Dự kiến dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương.

Tương tự, 3 năm trở lại đây, huyện Mường Ảng thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất trong phát triển cây ăn quả và bước đầu cho thấy hiệu quả. Ðến nay toàn huyện có 323ha cây ăn quả, trong đó có 70ha của doanh nghiệp và 203ha do Nhà nước hỗ trợ theo các dự án chuỗi liên kết. Theo kế hoạch đến năm 2021, huyện Mường Ảng sẽ có gần 30ha cây ăn quả thuộc dự án liên kết cho thu hoạch.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/185654/phat-trien-san-xuat-gan-voi-tieu-thu-san-pham