'Phát triển sản xuất giảm phát thải các bon gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm'
Đây là nội dung hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã Hàm Minh phối hợp tổ chức tại Hàm Thuận Nam vào chiều 24/5.
Tham dự hội thảo có hơn 30 đại biểu là đại diện một số phòng, ban, UBND các xã Hàm Minh, Hàm Cường, Thuận Quý và người dân, hợp tác xã sản xuất thanh long, tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên trên toàn cầu. Do đó, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) hỗ trợ tham gia dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam”. Dự án được triển khai tại 4 hợp tác xã và doanh nghiệp của 3 huyện sản xuất thanh long trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, với tổng số người hưởng lợi gần 4.500 người. Đến nay, 100% hộ thành viên tham gia dự án đã chuyển đổi từ đèn compact sang sử dụng đèn LED tiết kiệm điện; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; ứng dụng nhật ký điện tử trong sản xuất; tập trung sản xuất thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã mạnh dạn trao đổi, chia sẻ hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải các bon hướng đến nền nông nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ThS. Lại Châu Quang - Giám đốc Công ty Cổng thông tin số, Hà Nội (đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông) nhấn mạnh, khi áp dụng quản lý số và truy xuất nguồn gốc sẽ giúp cho giá trị của sản phẩm được nâng lên nhờ đưa thông tin về quy trình sản xuất, nhật ký sản xuất, xuất xứ sản phẩm tới khách hàng rõ ràng hơn và thuận tiện hơn, nó là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người sản xuất, hợp tác xã, người tiêu dùng. Giải pháp quản lý số còn giúp tăng cường năng lực quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của người sản xuất.
Riêng UBND và một số nông dân xã Hàm Minh đề xuất một số giải pháp như thông qua các nguồn lực về khuyến nông để phát triển thị trường dịch vụ tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất xanh cho hợp tác xã, doanh nghiệp. Cùng với đó, khuyến nông cộng đồng xã gắn với thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Thông qua mô hình ghi chép nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc để minh bạch hóa sản phẩm, từ đó tạo niềm tin cho các đối tác; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với các sản phẩm rượu thanh long, thanh long sấy…
Kết thúc hội thảo, ông Ngô Thái Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân, ngành nông nghiệp huyện và bà con trồng thanh long tại địa phương nên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp. Qua đó, hướng tới mục tiêu mỗi nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng…