Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ - cơ hội và thách thức
Chuyển đổi từ nền nông nghiệp sử dụng hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm tiêu dùng sạch, dinh dưỡng tốt, thân thiện với môi trường. Trong xu thế chung đó, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất NNHC, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Diện tích trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn hữu cơ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (Đông Sơn).
Theo phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sản xuất NNHC có thể hiểu đơn giản là hình thức sản xuất có quy trình chặt chẽ, đảm bảo hệ sinh thái, loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các hóa chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng hoặc vật nuôi. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất chung của lao động trong ngành nông nghiệp tỉnh ta thì phát triển NNHC là vấn đề khó. Mô hình sản xuất rau, củ quả theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, xã Đông Tiến (Đông Sơn) có diện tích 3,2 ha, trồng các loại rau cải, dền, muống, mồng tơi, cà chua, dưa lê, dưa chuột bao tử, dưa Kim Hoàng hậu... Mỗi luống cây trồng đều được gắn bảng thông tin về quá trình sinh trưởng, như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch... Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, cán bộ công ty, cho biết: Sản xuất cây trồng theo phương pháp hữu cơ rất khó. Bởi, quy trình này cần nhiều sức lao động, phức tạp và kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Với quy trình đó, rau hữu cơ không chỉ an toàn cho cả người sử dụng và người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Qua sản xuất và ứng dụng vào thực tế, nhận thấy do điều kiện thời tiết trên địa bàn khá khắc nghiệt nên tình trạng sâu bệnh diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây trồng, nên công ty đã xây dựng hơn 1,1 ha nhà lưới để thử nghiệm sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Việc sản xuất trong nhà lưới đã chống được côn trùng, sâu bệnh tới 50%. Trong trường hợp cây trồng bị nhiễm bệnh, sẽ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây, hoặc khoanh vùng để tiêu hủy...
Mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, diện tích 283 ha trên địa bàn thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cũng là một trong số ít những mô hình sản xuất NNHC mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Tuy đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, song diện tích chưa lớn, để hướng đến một nền sản xuất NNHC còn là vấn đề hết sức khó khăn. Theo phân tích của ngành chuyên môn, trở ngại đầu tiên khi phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh chính là thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất NNHC trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, các vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận. Đồng thời, chi phí cho sản xuất NNHC cao gấp 5-6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, nhưng giá cả lại chưa tương xứng do phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng khác trên thị trường. Bởi, người tiêu dùng trong tỉnh có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch nhưng chưa chú trọng và phân biệt rõ thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với các tiêu chuẩn khác...
Trước thực tế này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, theo Nghị định 109, ngày 28-8-2018 của Chính phủ về NNHC, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, lựa chọn địa điểm, phân tích các điều kiện... trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC (1 lần)... Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần chi phí đào tạo, tập huấn sản xuất, giống, phân bón... đối với mô hình trồng trọt và chi phí giống, thức ăn hữu cơ và thuốc thú y đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông... Đây chính là cơ hội lớn cho đơn vị sản xuất khi chuyển xu hướng sang sản xuất NNHC. Đồng thời, việc mở rộng diện tích sản xuất NNHC đúng tiêu chuẩn cần nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí đào tạo nông dân và các thủ tục chuyển đổi, tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách khuyến khích các cửa hàng, siêu thị liên kết thu mua sản phẩm, nhằm bảo đảm đầu ra bền vững và lâu dài. Ngoài ra, cần vận động các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ tạo liên kết với nhau thành mô hình HTX có phương thức liên kết để bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm.