Phát triển sản xuất trên vùng đất bãi ở Phú Phúc
Xã Phú Phúc (Lý Nhân) có lợi thế vùng bãi ven sông Hồng với diện tích hơn 130 ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích đất canh tác. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế.
Sản xuất trên vùng bãi của xã những năm gần đây đang có sự thay đổi căn bản. Các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế được mở rộng phát triển trên khoảng 40% diện tích đất bãi. Trong đó, cây chuối tây và chuối tiêu được trồng trên diện tích 25 ha, hoa các loại 15 ha (chủ yếu là hoa huệ) và một số diện tích trồng dưa chuột, cà chua… Ngay diện tích ngô trên đồng bãi cũng được thay đổi sang trồng bán sản phẩm dạng sinh khối làm thức ăn chăn nuôi giúp luân canh tăng vụ (đạt 3 vụ/năm). Các hộ dân sản xuất trên đất bãi cũng chuyển dần sang hướng tập trung ruộng đất với quy mô lớn. Điển hình, hộ anh Nguyễn Đình Tuân, thôn Duyên Hà thuê hơn 7 ha đất bãi của người dân không còn nhu cầu sản xuất chuyên trồng chuối; một số hộ khác trồng từ 1 – 3 ha chuối, hay hơn 1 mẫu hoa huệ. Vùng trồng chuối tây cũng được xã lựa chọn quy hoạch 4 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP đăng ký sản phẩm tương đương OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Nguyễn Văn Sao, Giám đốc HTX Nông nghiệp (HTXNN) Duyên Hà, nơi có 100% diện tích đất sản xuất nằm trên vùng bãi, với tổng diện tích 90 ha cho biết: Trên đồng bãi của địa phương đã được chuyển đổi trồng loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1 ha đất bãi hiện đạt 150 triệu đồng/năm; có một số diện tích chuyển đổi đạt từ 200-300 triệu đồng/năm, gấp 3-4 lần so với trước đây. Hướng đi này tạo ra sản phẩm tập trung, người dân gắn bó hơn với sản xuất trên vùng bãi...
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sao, hiện, các loại cây chủ lực của HTXNN (chuối các loại, hoa huệ...) chủ yếu cho thu hoạch tập trung vào dịp rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán- là những thời điểm dễ tiêu thụ và giá cao, thường gấp 1,2 – 1,5 lần bình thường. Do vậy, giá trị sản xuất bình quân của diện tích trồng chuối đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm (tương đương hơn 7 triệu đồng/sào/năm); trồng hoa huệ đạt từ 15 – 20 triệu đồng/sào/năm. Với những diện tích trồng ngô và cây màu khác tại vùng bãi do được chuyển đổi phù hợp cũng đạt giá trị 5 - 10 triệu đồng/sào/năm, gấp 1,5 – 2 lần so với trước. Tính bình quân giá trị sản xuất trên diện tích đất bãi của xã Phú Phúc đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn giá trị sản xuất bình quân trung của đất nông nghiệp tại xã khoảng 1,2 – 1,5 lần. Không ít hộ trong xã thu nhập cả trăm triệu đồng/năm từ sản xuất trên đất bãi...
Là người có thâm niên trồng hoa huệ hơn 10 năm, bà Hà Thị Mai, thôn Duyên Hà chia sẻ: Khi mới đưa cây hoa huệ vào, gia đình tôi trồng hơn 2 sào trên dịch tích được chuyển đổi từ diện tích trồng ngô lai trước đây. Khi thấy hiệu quả từ cây hoa huệ trên vùng bãi đạt cao, tôi tiếp tục tự nhân giống và mở rộng sản xuất. Hiện, gia đình tôi đã có diện tích trồng hoa huệ lên đến 0,5 ha. Cây hoa huệ phù hợp với đất bãi, trồng không tốn quá nhiều công, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Lợi nhuận từ hoa huệ vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác, vào vụ thu hoạch thương lái về tận ruộng mua. Về lâu dài, gia đình tiếp tục duy trì nghề trồng hoa huệ giúp bảo đảm thu nhập, cải thiện cuộc sống…
Sản xuất trên vùng bãi của xã Phú Phúc đang được người dân tiếp tục phát triển. Vừa qua, mặc dù, các loại cây trồng tại vùng bãi bị ảnh hưởng lớn do lũ sông Hồng lên trên báo động 3 gây ngập úng nhưng ngay sau khi nước rút, sản xuất được người dân khẩn trương khôi phục. Diện tích hoa huệ, chuối được chăm sóc, bón phân trở lại cây nảy mầm mới giữ nguồn giống cho phát triển sản xuất… Trên cánh ruộng rộng hơn 1 ha đất bãi của gia đình, thời điểm này ông Nguyễn Đình Nam đang tách mầm chuối ra trồng bù vào những cây chết do lũ.
Tuy nhiên, do sản xuất trên vùng bãi ven sông Hồng của xã Phú Phúc hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên trong quá trình sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, khi hạ tầng thủy lợi ở vùng bãi chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến tình trạng khó khăn về nước tưới cho cây trồng vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa bão. Vì vậy, để khắc phục được những khó khăn trên, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh vùng đất bãi, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục mở rộng sản xuất trên diện tích đất bãi, hình thành vùng nguyên liệu sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho chế biến, Phú Phúc cần quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng thủy lợi; nâng cao năng lực phục vụ trên vùng đất bãi; hạn chế thấp nhất những rủi ro thiên tai, địch họa; nâng cao hiệu quả kinh tế; góp phần cải thiện đời sống và thu nhập cho người dân vùng đất bãi.