Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng cần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Thực hiện chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khu vực miền núi phát triển, trước đây, nhiều cơ sở lò vòng được tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Nam cho phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất đến năm 2020, 2025… Huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Ý KIẾN BẠN ÐỌC

Các cơ sở đều lắp đặt thiết bị máy móc hoàn chỉnh và hiện đại. Giảm đến mức thấp nhất sức lực của con người, từ khâu nhào trộn, sản xuất gạch, tất cả đều theo điều khiển tự động. Quá trình đưa gạch vào lò để nung đốt và ra lò đều theo quy trình khép kín và được trang bị đầy đủ xe nâng, xe điện để vận chuyển gạch vào lò và ra lò. Lượng khói bụi giảm đến mức thấp nhất. Khói trước khi nhả ra môi trường đều được xử lý bằng công nghệ lọc các-bon và nước vôi. Hằng năm, các cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng đã giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động, với thu nhập ổn định từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo lộ trình, các cơ sở sản xuất này có thể phải dừng hoạt động vào năm 2020.

Vừa qua, Công ty TNHH Thương mại và vật liệu xây dựng Trung An (huyện Lục Nam) đại diện các doanh nghiệp có đơn gửi các bộ, ngành, cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương đề nghị được kéo dài thời gian hoạt động sản xuất của các nhà máy gạch theo công nghệ lò vòng trên địa bàn huyện, lý do là vì đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, thời hạn được tỉnh, huyện giao đất, thuê đất còn từ bốn đến sáu năm nữa mới hết hạn. Ngày 11-6-2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5076/VPCP-CN gửi Bộ Xây dựng xem xét đề nghị kéo dài thời gian hoạt động sản xuất của các nhà máy gạch theo công nghệ lò vòng trên địa bàn huyện Lục Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng có ý kiến chỉ đạo: Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại và vật liệu xây dựng Trung An, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Giang triển khai phát triển sản xuất vật liệu xây dựng bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo đúng quy định.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có văn bản ngày 17-7-2019 gửi UBND tỉnh Bắc Giang, có đoạn nêu: Theo Quyết định 1469/QÐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030: "các cơ sở sản xuất nằm ở các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục". Căn cứ các văn bản nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang xem xét, quyết định, bảo đảm phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương theo như quy định…

Ông Nguyễn Chí Dư, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vật liệu xây dựng Trung An cho biết: Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đề cập lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sản xuất theo công nghệ lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu hóa thạch (than cám nguyên chất). Trong khi đó, các cơ sở sản xuất gạch công nghệ lò vòng ở Lục Nam không sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) mà chỉ dùng tro, xỉ thải đã qua sử dụng, được thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, nhiều cơ sở sản xuất còn thời hạn thuê đất từ bốn đến sáu năm nữa…

Sang Nguyễn (Bắc Giang)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/41214202-phat-trien-san-xuat-vat-lieu-xay-dung-can-bao-dam-loi-ich-cua-nha-nuoc-doanh-nghiep-va-nguoi-dan.html