Phát triển sầu riêng Lâm Đồng theo hướng bền vững (bài 1)

TIN LIÊN QUAN

Phát triển sầu riêng Lâm Đồng theo hướng bền vững (bài cuối)
Phát triển sầu riêng Lâm Đồng theo hướng bền vững (bài 2)

Là loại cây ăn trái cho thu nhập rất cao, mỗi ha sầu riêng có thể thu hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, những năm qua nông dân Lâm Đồng đã trồng loại cây này rất nhiều, thậm chí có thời điểm trở thành “cơn sốt” sầu riêng. Tuy nhiên, phát triển quá “nóng” diện tích cây sầu riêng một cách tự phát có thể dẫn đến rủi ro và thiếu tính bền vững.

Bài 1: Khẳng định vị thế cây trồng số một

So với cây công nghiệp truyền thống dài ngày khác như cà phê, hồ tiêu, điều, chè... thì sầu riêng đã và đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đổ xô vào trồng sầu riêng. Bởi từ thực tế sản xuất cho thấy, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế số 1 cho người dân Lâm Đồng trong những năm qua.

Cây sầu riêng đã và đang mang lại niềm vui lớn cho người nông dân Lâm Đồng

Cây sầu riêng đã và đang mang lại niềm vui lớn cho người nông dân Lâm Đồng

Những ngày này, hàng ngàn hộ nông dân trồng sầu riêng trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân gặp nhiều khó khăn, giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, xuống thấp. Thế nhưng, giá sầu riêng vẫn giữ được vị thế và đang mang lại niềm vui lớn cho người nông dân Lâm Đồng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với số tiền xây dựng lên đến vài tỷ đồng, ông Lê Quang Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn Hà Lâm (Đạ Huoai) mở đầu câu chuyện: “Mấy năm gần đây, giá sầu riêng thương phẩm ổn định khoảng 50.000 đồng/kg. Thương lái vào tận vườn thu mua, chủ vườn chỉ việc ghi số cân, tính tiền. Bình quân, mỗi ha sầu riêng từ 6 năm trở lên cho thu hoạch khoảng 12-15 tấn trái/vụ, mang lại thu nhập từ 600 - 750 triệu đồng. Trồng sầu riêng cần nhiều vốn đầu tư, nhiều công chăm sóc nhưng bù lại thu nhập rất cao”.

Gia đình ông Sơn hiện có hơn 3 ha đất canh tác với khoảng gần 500 gốc sầu riêng đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Với gần 500 gốc sầu riêng đang có, ông Sơn dự kiến sẽ thu về không dưới 60 tấn trái thương phẩm, trung bình mỗi cây đạt hơn 100 kg. Năm nay, vườn sầu riêng của ông tiếp tục được các thương lái tìm đến tận vườn để bao tiêu thu mua, với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg tùy thời điểm, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông trên 3 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, 1 ha sầu riêng từ lúc trồng đến lúc kinh doanh, người nông dân phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng. “Trung bình, 1 ha sầu riêng, nông dân trồng với mật độ từ 180 - 200 cây. Bình quân mỗi cây từ lúc trồng đến thu hoạch mất hơn 5 năm, chi phí đầu tư mỗi gốc khoảng 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ cây trồng này khá cao, nếu canh tác đúng quy trình, kỹ thuật, mỗi cây có thể thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/năm khi vào giai đoạn kinh doanh” - ông Sơn cho hay.

Cũng như ông Sơn, anh Phạm Thanh Duyên, Thôn 1, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên cũng chọn cây sầu riêng là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Trên diện tích 1,1 ha đất vườn, anh Duyên hiện có 200 cây sầu riêng; trong đó, gần 100 cây đang trong giai đoạn kinh doanh.

Anh Duyên cho biết, cây sầu riêng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển rất tốt, năng suất cao, chất lượng không thua kém các vựa sầu riêng khác trong cả nước.

Theo anh Duyên, muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, dưỡng cỏ để giữ ẩm cho cây. Trên cây sầu riêng có nhiều đối tượng dịch bệnh gây hại, do đó phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

“Sầu riêng trồng sau 5 năm cây đã cho trái. Những năm tiếp theo, cây càng to, tán càng rộng, năng suất sầu riêng càng tăng. Niên vụ vừa rồi vườn sầu riêng của gia đình tôi thu hoạch được hơn 12 tấn trái, thu nhập trên 650 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí tôi bỏ ra để đầu tư phân bón, công chăm sóc chiếm từ 25 - 30% doanh thu” - anh Duyên chia sẻ.

Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Trong thời điểm do ảnh hưởng của dịch COVID -19, nhiều loại trái cây giá xuống thấp khiến nhiều nông dân mất nguồn thu nhập, nhưng sầu riêng vẫn bảo đảm mức giá ổn định, đem lại lợi nhuận rất cao. So với nhiều loại cây trồng khác, nhiều năm qua, hiệu quả kinh tế mà cây sầu riêng mang lại đang đứng vị thế số một. Vì vậy, bà con nông dân đã chú trọng đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho vườn sầu riêng.

Theo ông Chiến, hiện Đạ Huoai có hơn 3.700 ha sầu riêng các loại, tập trung nhiều nhất tại các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai... Thời điểm này, thấy giá sầu riêng cao, ổn định, nhiều bà con nông dân đã và đang tiếp tục mở rộng diện tích cũng như đưa nhiều giống sầu riêng có xuất xứ nước ngoài về trồng như sầu riêng Musang King, sầu riêng Thái... Đây là những giống cây trồng mới, cần được đánh giá, khảo nghiệm ở địa phương, người dân cần hết sức thận trọng.

Mặt khác, với diện tích sầu riêng toàn huyện hiện có như hiện nay, bà con không nên mở rộng mà nên tập trung thâm canh đúng kỹ thuật, trồng thêm cây chắn gió cho sầu riêng... để nâng cao chất lượng, năng suất. Ngoài ra, bà con cũng cần mở rộng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra theo hướng bền vững.

CÒN NỮA

HOÀNG SA - HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/phat-trien-sau-rieng-lam-dong-theo-huong-ben-vung-bai-1-3069315/