Phát triển tài sản số tại Việt Nam: Thận trọng, có lộ trình
Việc chính thức hóa tài sản số có thể mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, song hành cùng cổ phiếu, trái phiếu...

Tiền mã hóa, tài sản mã hóa vẫn là một thị trường nhạy cảm với nhiều 'bẫy đầu tư'. Ảnh minh họa: INT
Việc chính thức hóa tài sản số có thể mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, song hành cùng cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính truyền thống.
Thị trường vốn hóa tỷ đô
Tài sản số, theo định nghĩa trong Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, là sản phẩm được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), có thể được sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự.
Đây là lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tài sản số được xem như một loại tài sản dân sự hợp pháp, mở đường cho việc bảo hộ quyền sở hữu, giao dịch và phát triển sản phẩm số. Điều này mang lại hành lang pháp lý cần thiết cho hàng triệu người dân đang sở hữu crypto tại Việt Nam hiện đang là những người chưa được pháp luật bảo vệ đầy đủ.
Vì vậy, việc chính thức hóa tài sản số có thể mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, song hành cùng cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính truyền thống.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tài sản số là lĩnh vực mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Nếu sớm có một khung pháp lý rõ ràng, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế quan trọng trong thị trường tài sản số nói riêng và kinh tế số nói chung. Tuy nhiên, với lĩnh vực mới như tài sản số, cần có những bước đi thận trọng để đảm bảo khuyến khích đổi mới sáng tạo nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro.
Không chỉ rủi ro cho người tiêu dùng, thiếu khung pháp lý rõ ràng là khiến Việt Nam bỏ lỡ mất nhiều cơ hội từ thị trường tiền mã hóa. Thị trường mà giá trị giao dịch hàng năm cao hơn gấp đôi tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhưng lại không có đóng góp nào cho ngân sách.
Nhiều doanh nghiệp của người Việt trong lĩnh vực này nhưng lại là pháp nhân nước ngoài. Vì thế, các chuyên gia đánh giá, cần sớm luật hóa được hoạt động giao dịch, đầu tư tiền mã hóa, tài sản số để giúp thúc đẩy dòng tiền nhiều tỷ USD lưu thông trong nền kinh tế.
Trước tiên, việc có khung pháp lý cho các giao dịch tiền mã hóa, tài sản số sẽ tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách.
Ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam đánh giá, khi giao dịch được đưa vào quản lý rủi ro sẽ hạn chế, nên nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phải cập nhật và theo dõi rất đầy đủ các thông tin từ cơ quan quản lý về các quy định khung pháp lý này.
“Về nguyên tắc, chúng ta có thể thu được thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập… và các thuế khác liên quan. Khi đồng tiền đó được giao dịch chính thức, chắc chắn sẽ là nguồn thu đáng kể vì quy mô khối lượng giao dịch của thị trường hiện nay rất lớn”, ông Tuấn thông tin.
Bảo đảm minh bạch, hiệu quả
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung chính thức công bố lộ trình triển khai thí điểm thị trường tài sản số. Ông cho biết, Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa và tiền mã hóa.
Ngay trong tháng 3, Bộ đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai nghiên cứu thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất cơ chế quản lý phù hợp. Trên cơ sở đó, Bộ kiến nghị Chính phủ công nhận “sự tồn tại và tiềm năng của tài sản số” - một tuyên bố mang tính bước ngoặt trong chính sách quản lý tài chính tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một loại tài sản phi truyền thống như tài sản số được thừa nhận công khai ở cấp Chính phủ, với hàm ý chính thức hóa vai trò của loại hình này trong nền kinh tế. Theo ông Đỗ Thành Trung, nguyên tắc thực hiện là “thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường mã hóa”.
Việc đưa tài sản số ra khỏi “vùng xám” nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam bắt kịp xu hướng tài chính số toàn cầu. Không chỉ là bước đi pháp lý, đây còn là bước chuyển nhận thức chiến lược của Chính phủ đối với một nguồn lực tài chính mới.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, mục tiêu của việc thí điểm thị trường tài sản mã hóa là “mở ra kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp”, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các mô hình startup, fintech và token hóa tài sản.
Các giao dịch tài sản số được hợp thức hóa sẽ giúp minh bạch hóa thị trường, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời giảm thiểu rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Về tiến độ, ông Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Tài chính đã gửi hai dự thảo nghị quyết lấy ý kiến các bộ, ngành trong các ngày 27 và 29/3. Hiện tại, Bộ đang hoàn thiện các bước tiếp theo, bao gồm tiếp thu, giải trình và trình Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi báo cáo Chính phủ.
Tuy nhiên, thời điểm chính thức vận hành sàn giao dịch vẫn chưa được ấn định, do cần đảm bảo khung pháp lý được xây dựng đầy đủ, đồng bộ và tương thích với cả pháp luật Việt Nam và luật pháp của các quốc gia có nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Sự thận trọng này là cần thiết trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay kiểm soát rủi ro từ các nền tảng tài sản số chưa được pháp lý hóa.
Số liệu từ công ty phân tích Chainalysis cho thấy, trong giai đoạn 2023 - 2024, dòng vốn từ thị trường blockchain đổ vào Việt Nam đã vượt 105 tỷ USD, tạo ra lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2023. Cổng thanh toán Triple-A cho biết có hơn 17 triệu người Việt đang sở hữu tài sản mã hóa, chiếm khoảng 17% dân số - cao gấp gần ba lần mức trung bình toàn cầu.