Phát triển tam nông ở TP HCM: Những trang trại siêu sạch trên 'đất vàng'
TP HCM là đô thị đặc biệt nên việc phát triển nông nghiệp ở thành phố cũng có những nét riêng biệt để thích nghi với tốc độ đô thị hóa cao và tận dụng lợi thế sẵn có.
TP HCM có những trang trại nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao, thậm chí cao nhất thế giới, được nhiều đoàn khách ghé thăm và không ngớt trầm trồ
Không chỉ nước ngoài mới có trang trạng rau quả siêu sạch, có thể yên tâm thử ăn ngay tại vườn mà ngay ở TP HCM cũng có những trang trại như thế.
Trang trại hữu cơ chuẩn quốc tế
Ghé thăm trang trại hữu cơ Nhất Thống của Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP HCM), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì tại đây vẫn có thể duy trì sản xuất nông nghiệp hữu cơ khi xung quanh là các dự án bất động sản mọc lên như nấm. Trang trại này có diện tích 12 ha, lối vào ngay trên đường Nguyễn Hữu Thọ và cách chợ Bến Thành chỉ 10 km. Trang trại đã đạt đồng thời 3 chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản liên tục từ năm 2017 đến nay. Đây hiện là những tiêu chuẩn cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm trên thế giới.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, chị Dương Thị Anh Thư, người quản lý sản xuất tại đây, cho biết công ty còn có trang trại ở tỉnh Hậu Giang và Đắk Lắk với diện tích lớn. Do đó, trang trại ở TP HCM chủ yếu nuôi, trồng những loại sản phẩm khó vận chuyển xa như rau ăn lá và gà lấy trứng. Sau khi thu hoạch, rau được rửa sạch, quay khô bằng dụng cụ chuyên dụng rồi đóng gói, vận chuyển đến các điểm bán. Sản phẩm được phân phối ra thị trường với thương hiệu Everyday Organic, chủ yếu đưa vào các gian hàng thực phẩm hữu cơ, cửa hàng thực phẩm cao cấp với giá cao hơn sản phẩm thường gấp 3-4 lần.
Ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống, cho rằng lợi thế của nông nghiệp TP HCM là ở ngay thị trường tiêu thụ có sức mua lớn nhất nước và sản phẩm được bán ngay sau khi thu hoạch nên giữ được chất lượng tốt nhất. "Tuy nhiên, nếu trang trại chỉ thuần sản xuất nông nghiệp sẽ không khai thác hết lợi thế sẵn có mà cần gắn với dịch vụ. Chúng tôi đang làm dự án công viên nông nghiệp hữu cơ để người dân TP HCM không phải đi xa cũng có thể về với thiên nhiên trong lành" - ông Thời hào hứng.
Theo ông Thời, công viên nông nghiệp hữu cơ sẽ có dịch vụ tổ chức các sự kiện cộng đồng, ăn uống tại nhà hàng hữu cơ sử dụng trên 90% sản phẩm hữu cơ sản xuất tại chỗ. Bên cạnh đó, mô hình này cũng bao gồm dịch vụ khu lưu trú tại nhà chòi, dịch vụ bán lẻ sản phẩm hữu cơ tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Nơi đây còn là môi trường để du khách trao đổi, học tập kiến thức nông nghiệp với khu bảo tàng và khu trải nghiệm kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.
"Dù TP HCM đã có định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nhưng việc triển khai không dễ bởi còn vướng mắc liên quan đến pháp lý. Khu đất này là đất nông nghiệp nên chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ dự án. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện để có thể đáp ứng yêu cầu pháp lý trong triển khai công viên nông nghiệp hữu cơ" - ông Thời bày tỏ.
Trồng rau tự động
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động có dịp đi cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến làm việc tại trang trại rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Long Trường, TP Thủ Đức). Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đánh giá với mô hình sản xuất như vậy, cơ quan quản lý rất "nhàn" vì các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã được chủ cơ sở chủ động kiểm soát chặt. Đây cũng là điều thị trường đang rất cần.
Chúng tôi còn bất ngờ hơn khi chứng kiến trang trại tiếp đón, hướng dẫn đoàn tham quan là học sinh mầm non đến thăm, trải nghiệm. Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, cho hay HTX thường xuyên đón các đoàn đến tham quan, tìm hiểu quy trình trồng rau sạch thủy canh ứng dụng công nghệ cao.
HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc hình thành từ năm 2017, đến nay có 7 xã viên với 1 ha nhà màn chuyên trồng rau ăn lá, chủ lực là các loại cải và xà lách. HTX còn liên kết với 5 trang trại khác tại các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Ninh Thuận dưới hình thức chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Trong điều kiện thị trường bình thường, HTX đạt lợi nhuận 24%/năm; riêng 2 năm khó khăn vừa qua, lợi nhuận của HTX vẫn ở mức 12%-14%/năm. "Mô hình này hoạt động có hiệu quả nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, khoảng 1,5 tỉ đồng/1.000 m2, đòi hỏi người nhận chuyển giao cần có trình độ quản lý nhất định nên không dễ nhân rộng" - ông Tuấn nhìn nhận.
Trước đó, cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ghé thăm trang trại công nghệ cao trồng dưa lưới Nông Phát (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM). Chủ nhân trang trại, anh Trang Quốc Dũng, tự tin mời Bộ trưởng thưởng thức dưa lưới ngay tại vườn. Dưa trồng trong nhà kính, mỗi cây dưa được trồng trong chậu riêng, lối đi được trải bạt để ngăn cỏ và tránh đất cát văng lên cây nên bảo đảm sạch sẽ không kém trong nhà. Các thành viên trong đoàn công tác không ngần ngại ăn thử bởi sản phẩm có quy trình canh tác an toàn, được bán tại các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu.
Theo tính toán, mỗi năm, mô hình trang trại dưa lưới này có thể đạt doanh thu 3,3 tỉ đồng/ha, lợi nhuận 800 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu lên đến 530 triệu đồng/1.000 m2 và chi phí cho từng vụ sản xuất... là những rào cản khiến không phải ai cũng làm được.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP HCM, tính đến tháng 4-2023, thành phố có 98 HTX, 2 liên hiệp HTX và 380 tổ hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn, hoa - cây kiểng, nuôi bò sữa, heo, thủy sản, diêm nghiệp và kinh doanh thủy sản.
Trong 82/98 HTX đủ điều kiện đánh giá phân loại, có 50 HTX hoạt động khá - tốt (tỉ lệ gần 61%), 31 HTX hoạt động trung bình và chỉ 1 HTX hoạt động yếu.